Chuyện Thiếu tá Kiên và những tấm lòng cao cả

(PLO)- Quá trình bàn giao tro cốt cho người mất do COVID-19 đã dẫn dắt Thiếu tá Kiên hai lần nhận làm cha đỡ đầu của ba đứa trẻ mồ côi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 8-2021, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM. Lúc đó, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1985), Chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TP.HCM, được giao nhiệm vụ bàn giao tro cốt của nạn nhân tử vong do COVID-19 về với gia đình.

Tìm người thân cho con đỡ đầu

Thiếu tá Kiên không ngờ rằng trong một lần thực hiện nhiệm vụ, anh đã đưa ra quyết định chưa từng có trong đời mình.

Thiếu tá Kiên nhớ lại khi đến nhà bàn giao tro cốt của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (ngụ phường Tân Phú, TP Thủ Đức), mẹ bé Phạm Bảo Châu (bốn tuổi), thì mới biết cả dãy trọ đều nhiễm bệnh.

“Khi tôi đến, cháu đang ngồi bên hai bao ve chai, được các cô chú trong xóm trọ chăm sóc. Cha mẹ em đã không sống chung với nhau từ rất lâu” - Thiếu tá Kiên kể lại.

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cùng ba người con mà anh nhận đỡ đầu trong một lần bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do COVID-19 về với gia đình. Ảnh: NVCC

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cùng ba người con mà anh nhận đỡ đầu trong một lần bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do COVID-19 về với gia đình. Ảnh: NVCC

Cũng là người cha của hai đứa con, thấy Châu bơ vơ một mình, không ai chăm sóc, anh đã không chần chừ quyết định đỡ đầu cho bé. Nhận nuôi bé Châu, Thiếu tá Kiên tiếp tục hành trình tìm kiếm người thân cho bé. Việc tìm kiếm gặp khó khăn vì anh không có nhiều thông tin. Nhưng niềm khắc khoải đưa bé về vòng tay yêu thương của gia đình đã luôn thôi thúc anh. Khi có thời gian, anh lại bôn ba khắp nơi, từ TP.HCM xuống Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang rồi lại về TP.HCM để tìm người thân cho bé.

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên tin rằng không chỉ anh mà đồng đội của anh hoặc những người khác khi thấy hoàn cảnh của các em cũng sẽ luôn sẵn sàng chở che, bù đắp cho những đứa trẻ mồ côi nói chung, trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 nói riêng. Thiếu tá Kiên mong rằng dù có khó khăn đến đâu thì các em cũng sẽ mạnh mẽ vượt qua biến cố, biến những nỗi đau thành quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

Cuối cùng, anh đã tìm được hai anh chị của Châu là Đình Huy (10 tuổi) và Bảo Ngọc (tám tuổi), sống cùng bà ngoại già yếu đã 88 tuổi trong một căn nhà nhỏ đã xuống cấp ở quận 4.

Trong một lần qua thăm nhà, Bảo Ngọc đã nói với anh: “Chú Kiên ơi, cho con gọi chú là ba Kiên nha. Con không có ba, con muốn có ba để được ba quan tâm”.

Lời nói của Bảo Ngọc đã khiến Thiếu tá Kiên không thể chần chừ thêm. Lần thứ hai trong đời, anh quyết định nhận thêm con nuôi. Vậy là cả ba anh em Đình Huy, Bảo Ngọc, Bảo Châu đều trở thành con của anh.

Hiện ba bé đang sống với bà. Vợ chồng Thiếu tá Kiên thường xuyên lui tới, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học hành cho các bé, đưa các bé đi chơi. Dù điều kiện kinh tế không dư dả, vợ chồng anh vẫn thấy ấm áp, đủ đầy khi nghe tiếng cười đùa của cả năm con.

Giờ đây, khi ai đó hỏi về quyết định đỡ đầu cho các bé hơn một năm về trước, Thiếu tá Kiên chỉ cười thật thà, rằng anh không có thời gian để suy xét liệu quyết định đó có đúng, có phù hợp với hoàn cảnh của gia đình anh hay không.

“Tôi chỉ rõ một điều là trái tim thôi thúc tôi phải làm gì đó cho bé. Khi nhận nhiệm vụ bàn giao tro cốt, trong tôi đã luôn xem những nạn nhân của dịch COVID-19 như những người thân của mình, mà đã là người thân thì không thể bỏ rơi cháu bơ vơ giữa đời” - Thiếu tá Kiên chia sẻ.

Chuyến xe “0 đồng” của chàng sinh viên năm hai

Cha mẹ đều gặp vấn đề sức khỏe, từ lâu Trần Khánh Tường (ngụ huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã ấp ủ ước mơ làm trong ngành y, chữa bệnh cho cha mẹ. Chứng kiến đỉnh dịch COVID-19, Tường càng thêm thấm thía sứ mệnh cứu người cao cả của ngành y và củng cố quyết tâm thi đỗ đại học, dốc sức mình phục vụ bệnh nhân nghèo.

Trần Khánh Tường trong những hoạt động thiện nguyện ở trường. Ảnh: NVCC

Trần Khánh Tường trong những hoạt động thiện nguyện ở trường. Ảnh: NVCC

Tường đang trên đường chạm đến ước mơ khi hiện đã thi đỗ và là sinh viên năm hai ngành điều dưỡng Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

TP.HCM: Tuyên dương 21 tập thể và 80 cá nhân

Tối 9-11, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP lần 5 - năm 2022.

Tại buổi lễ, UBND TP.HCM đã tặng bằng khen đối với 21 tập thể và 80 cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện các chương trình từ thiện liên tục nhiều năm. Trong đó, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên và chàng sinh viên Trần Khánh Tường là một trong những cá nhân được tuyên dương.

Để trang trải cuộc sống, Tường chạy xe ôm công nghệ sau mỗi giờ học. Tường chẳng thể ngờ cổng Trường ĐH Y Dược TP.HCM mà mỗi ngày em đứng chờ khách lại là nơi nảy sinh ý tưởng giúp người khác.

Hình ảnh người phụ nữ yếu ớt, đang gắn thiết bị truyền dịch trên người cố gắng tìm xe để ra bến xe về quê đã thôi thúc chàng sinh viên năm hai phải làm gì đó.

“Chính giây phút đó, em đã không ngần ngại hỗ trợ gia đình chở bệnh nhân ra xe. Sau đó, gia đình có ngỏ ý gửi em ít tiền đổ xăng nhưng em không nhận” - Tường kể lại và chia sẻ vẫn còn thấy xót xa khi nhớ lại dáng tiều tụy của người phụ nữ ấy.

Kể từ lần đó, Tường sẵn sàng hỗ trợ các bạn sinh viên, người nghèo ở bất kỳ đâu trên đường mà Tường gặp với những chuyến xe “0 đồng” như thế.

Tường bộc bạch bản thân cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khi rơi vào bế tắc. Sự quan tâm đó đã giúp Tường cảm nhận được hạnh phúc thật sự là như thế nào. Tường muốn chia sẻ hạnh phúc đó với người khác nên cứ có cơ hội, Tường lại tiếp tục những chuyến xe “0 đồng” rong ruổi khắp các ngõ ngách ở TP. Nhìn những người nghèo khó, các bạn sinh viên vui vẻ, Tường cũng cảm thấy vui lây và sống có ích hơn.

Thế đó, giữa lòng TP này, còn rất nhiều “những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. Mỗi việc làm dù lớn hay nhỏ đều mang lại những giá trị sống tích cực, nối dài thêm sợi dây nghĩa tình, vốn đã là thương hiệu của TP mang tên Bác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm