Mới đây, chị Phan Thị Quế Hương (ngụ phường 1, quận 8, TP.HCM) cho biết hơn một năm sau khi chị phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM về việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác, đến nay người nhận đã chuyển trả lại đầy đủ số tiền mà chị chuyển nhầm trước đó.
Sau một năm mới chuyển trả tiền
Trước đó, ngày 20-5-2022, Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Chuyển tiền nhầm tài khoản, khổ chủ gặp khó khi đòi lại” phản ánh vụ việc của chị Hương, vào ngày 10-5-2022 chị đã chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người đàn ông tên T. Sau khi phát hiện chuyển nhầm, chị Hương đã liên hệ với người này để xin được nhận lại số tiền đã chuyển nhầm nhưng chờ mãi mà người này vẫn không trả.
Lúc đầu, ông T không thừa nhận đã nhận được số tiền mà chị Hương chuyển nhầm. Sau khi chị Hương đến liên hệ với ngân hàng sao kê thì lúc này ông T mới thừa nhận đã nhận được số tiền trên.
Khi trao đổi với PV qua điện thoại, ông T xác nhận ông có nhận được số tiền hơn 16 triệu đồng của chị Hương chuyển nhầm vào tài khoản của ông. Tuy nhiên, người này xác nhận đã lỡ xài hết số tiền trên. Hiện tại, ông không còn tiền nên phải chờ khi nào gia đình ở quê chuyển tiền vào, lúc đó ông mới chuyển lại cho chị Hương được.
Sau đó, chị Hương đã gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan Công an quận 7, TP.HCM vì bị ông T thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản với số tiền hơn 16 triệu đồng của chị. Ngày 26-12-2022, cơ quan Công an quận 7 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự chiếm giữ trái phép tài sản theo tin tố giác tội phạm của chị Hương.
Sau hơn một năm chuyển tiền nhầm cho người khác, ngày 7-7 chị Hương mới nhận lại được số tiền đã chuyển nhầm. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Mới đây, chị Hương cho biết ngày 7-7, sau hơn một năm kể từ ngày nhận số tiền mà chị Hương chuyển nhầm, ông T đã chuyển khoản trả lại cho chị số tiền trên.
Đồng thời, ông T cũng đã gửi dòng tin nhắn đến chị Hương như sau: “Do hoàn cảnh gia đình lúc đó rất khó khăn nên cháu đã sử dụng số tiền trên. Hôm nay, ngày 7-7, cháu mới thu xếp chuyển gửi lại cho cô được. Cháu rất mong cô thông cảm và tha thứ cho cháu”.
Trao đổi với PV, đại diện của chị Hương chia sẻ: Sau khi nhận lại số tiền đã chuyển nhầm, chị Hương nhận thấy ông T cũng đã nhận ra lỗi lầm của mình. Sau khi bàn bạc, chị Hương quyết định sẽ làm đơn gửi đến Công an quận 7 rút đơn tố giác, để cơ quan này xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông T hoặc đình chỉ vụ án.
Khắc phục hậu quả có bị xử lý hình sự?
Liên quan đến vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc trường hợp vụ án bị khởi tố mà người phạm tội đã khắc phục hậu quả và phía bị hại rút đơn tố cáo thì vụ án có bị đình chỉ?
Luật sư (LS) Hoàng Anh Sơn, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Tại khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015 quy định cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp như người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu; đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm…
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 29 BLHS có quy định người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
LS Sơn nhận định: Đối với trường hợp của chị Hương thì vụ án được khởi tố theo khoản 1 Điều 176 với mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Theo khoản 1 Điều 9 BLHS thì đây là tội phạm ít nghiêm trọng.
Trên thực tế, hành vi của ông T đã gây thiệt hại về tài sản cho chị Hương nhưng ông T đã chuyển trả tiền, đã khắc phục hậu quả, các bên đã tự nguyện hòa giải và chị Hương có đơn rút đơn tố cáo. Do đó, cơ quan điều tra có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với ông T và đình chỉ điều tra theo quy định tại Điều 230 BLTTHS.
Tuy nhiên, vì pháp luật quy định “có thể” miễn trách nhiệm hình sự nên thực tế, ông T có được miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ điều tra vụ án hay không còn tùy thuộc vào nhận định của cơ quan CSĐT.
Nếu không được miễn trách nhiệm hình sự thì việc chị Hương rút đơn tố cáo, đây cũng được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội (theo Điều 51 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).•
Phạt đến hai năm tù nếu nhận tiền chuyển nhầm mà không trả
Khi một người vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người đó phải có trách nhiệm trả lại cho người đã chuyển nhầm.
Tại khoản 1 Điều 579 BLDS quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Về trách nhiệm hình sự thì khoản 1 Điều 176 BLHS quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt đến hai năm tù.
LS Đinh Văn Tuấn, Đoàn LS TP.HCM