Thời gian qua, có không ít trường hợp người dân không may chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác. Có trường hợp khi phát hiện, người chuyển nhầm không có cách nào để liên hệ được với người nhận chuyển nhầm, phải nhờ đến cơ quan công an giải quyết.
Cũng có trường hợp chuyển tiền nhầm nhưng người nhận ở xa và với số tiền chuyển nhầm không lớn nên đành chịu mất tiền.
Gian nan đi đòi lại tiền chuyển nhầm
Mấy tháng nay, chị NTKT (ngụ tỉnh Quảng Ngãi) phải liên hệ với ngân hàng chị mở tài khoản nhiều lần để lấy lại số tiền mà chị đã lỡ chuyển nhầm cho người khác.
Chị T cho biết cách đây vài tháng, một người bạn của chị có nhờ chị chuyển khoản số tiền 50 triệu đồng đến người bạn khác. Lúc nhập số tài khoản, chị T nhập sai một số và do không để ý nên chị đã bấm lệnh chuyển.
Ông D phản ánh vụ việc chuyển nhầm tiền với PV. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Sau khi phát hiện, chị T ngay lập tức liên hệ với ngân hàng mà mình mở thẻ để xin thông tin người nhận chuyển nhầm để liên hệ nhờ người nhận nhầm chuyển lại.
Ngân hàng này cho biết theo quy định, phía ngân hàng sẽ tự liên hệ với phía ngân hàng nhận tiền để liên hệ với người nhận.
“Tôi chờ một thời gian thì ngân hàng tôi mở tài khoản thông báo, phía ngân hàng của người nhận đã gửi thông báo cho người nhận ba lần nhưng người nhận tiền không phản hồi. Đồng thời, phía ngân hàng hướng dẫn tôi gửi đơn tố giác đến cơ quan công an để được giải quyết nhận lại tiền. Hiện tôi đã nộp đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an và đang được thụ lý” - chị T cho biết thêm.
Một trường hợp khác, chị MD, ở TP.HCM cho biết trước đây, chị có chuyển tiền nhầm vào tài khoản của một người khác. Sau đó chị liên hệ cơ quan công an nơi chị đang sinh sống ở TP.HCM để trình báo sự việc. Phía cơ quan công an đã liên hệ với ngân hàng và biết được địa chỉ của người nhận tiền chuyển nhầm đang sinh sống ở một tỉnh ở miền Bắc.
Sau đó cơ quan công an có hướng dẫn chị nộp đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an nơi người nhận tiền nhầm đang cư trú để được giải quyết.
“Tôi nghĩ mình chuyển nhầm số tiền khoảng 10 triệu đồng mà phải ra tận miền Bắc để nộp đơn thì chi phí đi lại còn hơn số tiền chuyển nhầm. Vì thế, tôi đang băn khoăn xem có nên tiếp tục theo đuổi vụ việc này hay bỏ luôn. Tôi cũng xem đây là bài học để sau này mình cẩn thận hơn” - chị D chia sẻ.
Nhờ công an vào cuộc lấy lại tiền
Ông VVD (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết vào giữa năm 2022, do có nhu cầu mua đất tại tỉnh Bình Phước nên ông đã chuyển tiền cho người quen tên ĐTM nhờ đặt cọc mua đất với số tiền 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện thao tác chuyển tiền trên điện thoại, ông đã chuyển nhầm vào tài khoản tên TTM của Ngân hàng T mở tại Chi nhánh quận Tân Bình, TP.HCM.
Sau khi phát hiện việc chuyển nhầm, ông D đã liên hệ nhờ bà TTM chuyển lại nhưng người này chỉ chuyển lại 200 triệu đồng, số tiền còn lại sau nhiều lần liên hệ nhưng bà TTM vẫn chưa chịu trả. Sau đó, ông D đã gửi đơn tố giác đến Công an quận Tân Bình để yêu cầu giải quyết.
“Sau hơn chín tháng xảy ra sự việc, cơ quan công an đã mời bà TTM lên làm việc và đến ngày 12-1-2023, người này đã hoàn trả cho tôi đủ số tiền 300 triệu đồng còn lại. Tuy nhiên, hành vi chiếm giữ tài sản của người khác trái pháp luật của bà TTM cần bị khởi tố để đảm bảo tính răn đe của luật pháp. Vì thế, hiện nay tôi vẫn yêu cầu cơ quan công an tiếp tục xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà TTM theo đúng quy định pháp luật” - ông Dân cho biết thêm.
Trường hợp của chị PTQH (ngụ quận 11, TP.HCM), ngày 10-5-2022, chị cũng đã chuyển nhầm số tiền hơn 16 triệu đồng vào tài khoản của ông T. Sau khi phát hiện việc chuyển nhầm, chị H nhiều lần liên hệ ông T để lấy lại tiền nhưng ông T cho biết mình đã xài hết. Sau đó, chị H đã gửi đơn tố giác đến cơ quan Công an quận 7. Đầu năm 2023, Công an quận 7 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự chiếm giữ trái phép tài sản theo tin tố giác tội phạm của chị H.
Chị H chia sẻ: “Hiện nay, Công an quận 7 đang trong quá trình giải quyết vụ án. Được biết phía công an đã mời ông T lên làm việc. Hy vọng tôi sẽ sớm lấy lại được số tiền đã chuyển nhầm”.
Cách xử lý khi chuyển tiền nhầm tài khoản
Trước đây, Bộ Công an đã có hướng dẫn xử lý việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác.
Theo đó, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, Điều 580 Bộ luật Dân sự.
Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, nếu người có hành vi chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính 3-5 triệu đồng. Đồng thời, cũng theo Nghị định 144, người chiếm giữ buộc phải trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
Ngoài ra, Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo đó, tùy vào số tiền mà người vi phạm chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà sẽ bị áp dụng mức phạt khác nhau, mức phạt cao nhất đến năm năm tù. NH