Vụ bị khởi tố vì nhận tiền chuyển khoản nhầm mà không chịu trả: Những bài học rút ra

(PLO)- Một số bạn đọc cho rằng việc nhận tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà không chịu trả thì cần phải xử lý nghiêm, nhất là với những người cố tình chây ì.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bài viết “Khởi tố vụ nhận tiền chuyển khoản nhầm mà không chịu trả” được đăng trên PLO ngày 4-1 đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Bài viết phản ánh cơ quan Công an quận 7, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo tin tố giác tội phạm của chị Phan Thị Quế Hương (ngụ phường 1, quận 8, TP.HCM).

Theo đơn tố giác tội phạm của chị Hương gửi cho cơ quan công an quận 7: chị Hương bị ông VVT (sinh năm 1995) thực hiện hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” với số tiền gần 17 triệu đồng xảy ra ngày 10-5-2022 tại một ngân hàng ở quận 7.

Trước đó, ngày 20-5-2022, Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Chuyển tiền nhầm tài khoản, khổ chủ gặp khó khi đòi lại” phản ánh vụ việc của chị Hương, chị đã chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người tên T. Sau khi phát hiện, chị Hương đã liên hệ với người này để xin được nhận lại số tiền đã chuyển nhầm nhưng chờ mãi mà người này vẫn không trả.

Chị Hương chia sẻ chị làm tạp vụ tại một công ty ở quận 11, TP.HCM. Hằng tháng, chị còn có nhiệm vụ nhận tiền lương của công ty thông qua tài khoản để phát lại cho một số nhân viên khác không có tài khoản ngân hàng.

Ngày 10-5-2022, chị nhận số tiền gần 17 triệu đồng từ công ty chuyển vào tài khoản và theo thông lệ, chị sẽ chuyển lại cho tổ trưởng rút ra phát cho một số nhân viên.

Tối cùng ngày, chị thực hiện lệnh chuyển tiền cho tổ trưởng. Thế nhưng do sơ suất, chị đã chuyển nhầm vào tài khoản của ông T mà trước đây chị đã có lần giao dịch.

Trước đó, chị Phan Thị Quế Hương phản ánh vụ việc chuyển nhầm tiền với phóng viên Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Trước đó, chị Phan Thị Quế Hương phản ánh vụ việc chuyển nhầm tiền với phóng viên Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Lúc đầu, ông T không thừa nhận đã nhận được số tiền mà chị Hương chuyển nhầm. Sau khi chị Hương đến liên hệ với ngân hàng sao kê thì lúc này ông T mới thừa nhận đã nhận được số tiền trên.

Khi đó, trao đổi với phóng viên, qua điện thoại, ông T xác nhận ông có nhận được số tiền hơn 16 triệu đồng của chị Hương chuyển nhầm vào tài khoản.

“Tôi đã lỡ xài hết số tiền trên. Hiện tại, tôi không còn tiền nên phải chờ khi nào gia đình ở quê chuyển tiền vào thì lúc đó tôi mới chuyển lại cho chị Hương được. Còn khi nào gia đình tôi chuyển tiền vào thì tôi không xác nhận được nên không thể biết được thời gian chính xác ngày nào tôi trả tiền lại” - ông T cho hay.

Nhiều bạn đọc đã để lại bình luận cho bài viết này về trường hợp tương tự của mình, bày tỏ sự đồng tình và một số thắc mắc quanh câu chuyện này.

Phải chi đừng sinh lòng tham!

Một số bạn đọc cho rằng chỉ vì ông T tham lam xài hơn mười triệu đồng mà phải đi tù thì thật đáng tiếc, phải chi ông T chịu trả tiền cho người ta thì đâu đến nổi.

- "Có hơn mười triệu đồng thôi sao để chịu tiếng và kiện tụng đến thế, rõ khổ, trả cho người ta đi ông"- bạn đọc Thachkiba

- "Không trả lại tiền bị khởi tố là đúng, tự dưng tiêu tiền người khác như vậy!?"- bạn đọc Đức Mạnh.

- "Đâu phải của trời bỏ túi là xong, có thể đi tù đó nha"- bạn đọc Kiều Linh.

- "Giá như trả lại tiền cho người chuyển nhầm thì đâu đến cơ sự này"- bạn đọc Tuấn Phạm.

- "Thấy số tiền lớn tự nhiên chuyển vào tài khoản của mình... Đáng lẽ phải sợ và đi trình báo với ngân hàng... Đằng này lại tham. Rồi đây với án phạt 2 năm và phải hoàn trả lại đủ tiền đã chiếm đoạt..." - bạn đọc Nhilyphuong

Cố ý xài tiền của người chuyển nhầm, phải xử nghiêm!

Hầu hết bạn đọc cho rằng hành vi cố tình chiếm giữ tiền của người khác để tiêu xài là không thể chấp nhận được và cần được xử nghiêm.

- "Rất xứng đáng, rất nghiêm minh. Có như vậy mới trừng trị được những kẻ tham lam cướp ngày trắng trợn. Đó là những bài học cho những kẻ nào có ý định xấu mà nên tránh xa" - bạn đọc Thulevan739.

- "Cơ quan chức năng phải xử lý khởi tố vụ này ra trước tòa, xử lý đi tù đúng luật pháp hiện hành để làm gương cho những kẻ khác nếu có lòng tham không chịu trả nêu các lý do không chính đáng" - Bạn đọc Dân.

- "Xử lý nghiêm, phạt nặng vụ này,đây là cố tình chiếm đoạt của người khác,tiêu xài hết, không biết bao giờ có trả,nói thế thì chờ ông hết đời à? Vậy thì mời ông vào nhà giam, khi nào trả tiền thì cho ra"- bạn đọc NTV.

- “Khi nhận tiền chuyển nhầm và đã biết chắc chắn đó không phải là tiền của mình mà lại tiêu xài và cố tình không chịu trả giống như chiếm đoạt tài sản của người khác vậy. Vụ này phải xử thật nghiêm minh có như vậy mới trừng trị được những kẻ tham lam. Đây cũng là bài học để người nào đang có ý định giữ tiền của người khác thì nên mau trả lại”- bạn đọc Lý Phương Nhi.

- “Thấy số tiền lớn tự nhiên chuyển vào tài khoản của mình đáng lẽ phải sợ và đi trình báo với ngân hàng. Đằng này lại tham lam tiêu xài cho đã. Đề nghị cơ quan công an phạt tù người vi phạm và phải yêu cầu hoàn trả lại đủ tiền đã chiếm đoạt cho người chuyển nhầm. Đúng là tham thì thâm”- bạn đọc Trần Anh ý kiến.

Nhiều người cũng từng bị chuyển nhầm tiền

Một số bạn đọc cho biết đây không phải là trường hợp hiếm, bởi họ cũng từng gặp phải câu chuyện tương tự. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đòi lại được tiền.

- "Mình cũng chuyển khoản nhầm. Đi van đi lạy họ cũng không trả,vừa mất tiền vừa nhục" - bạn đọc Hoangvanthai404.

- "Tôi chuyển nhầm vào một số tài khoản ngân hàng 3,5 triệu đồng. Hôm sau người kia báo chưa nhận được tôi bèn ra ngân hàng trình bày và xin giúp đỡ thu hồi lại. Kết quả là làm thủ tục và ngân hàng hẹn 45 ngày sau sẽ trả lời nếu phía người kia đồng ý trả thì tôi mới được hoàn lại. Giờ đã hơn 2 tháng coi như mình dại của đi thay người"- bạn đọc TVNK.

- "Tôi cho người khác vay tiền từ 2016 giờ đòi họ không chịu trả. Tôi có biên lai chuyển tiền. Tôi cũng muốn khởi kiện người tham lam và đòi lại công bằng cho bản thân"- bạn đọc Quý Cương.

- "Mình cũng chuyển nhầm 5 triệu mà lên ngân hàng báo thì nhân viên bảo là 90% là mất người ta không trả lại đâu" - bạn đọc Vinh Nguyễn

- "Em trai của em có chuyển nhầm 15 triệu đồng. Mà đến ngân hàng hỏi thì ngân hàng trả lời là chủ tài khoản kia 2 năm không giao dịch. Giờ em mình chưa biết phải làm sao"- bạn đọc Tâm Phạm.

- "Tôi chuyển tiền nhầm 8 triệu, giờ không biết tính sao nữa?"- bạn đọc Tongx0557.

Người nhận chuyển khoản nhầm cũng lắm nỗi lo

Một số bạn đọc cũng chia sẻ họ từng là người nhận số tiền chuyển nhầm, việc trả lại tiền cũng lắm nỗi lo, trong đó có sự lo ngại về việc có ai đó lừa đảo cố tình chuyển khoản nhầm.

Qua chuyện này, một số bạn đọc nếu thắc mắc: Nếu bị ai đó chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình thì phải làm sao? Một số khác bày tỏ băn khoăn: Hiện nay có chiêu lừa giả vờ chuyển nhầm tiền vào tài khoản cho người khác để cho vay lãi cao. Vậy khi người dân lỡ nhận số tiền lạ qua tài khoản của mình thì phải làm sao phân biệt người chuyển vào là vô tình hay cố ý?

- "Cũng lắm nhiêu khê lắm. Tôi có nhận được số tiền nhỏ mà không biết của ai. Sau đó ngân hàng yêu cầu làm một số giấy tờ rất mất thời gian. Trong trường hợp bị ai đó cố tình chuyển nhầm rồi báo ngân hàng đòi lại mà không liên hệ trực tiếp thì rất phiền phức"- bạn đọc Hiền.

- "Tôi đề nghị thế này, ai chuyển nhầm thì phải chịu trách nhiệm trả cho người bị chuyển nhầm tiền công, tiền xe đi lại để chuyển lại cho, phải có quy định cụ thể ví dụ người ta mất một ngày công đi trả, tiền xăng nữa; người nào cố tình không trả thì phạt tù như luật. Không ai rỗi mà làm mấy việc tới lui vì cái nhầm của ai đó rồi kiện tụng người ta. Không cổ vũ người tham lam, nhưng cũng ghét người làm phiền, kể cả ông sơ ý"- bạn đọc Vuhalonggia.

- “Hiện nay có tình trạng người khác cố ý chuyển nhầm, rồi sau đó gọi điện yêu cầu trả lại số tiền chuyển nhầm và trả thêm lãi rất cao. Do đó, cần yêu cầu người chuyển nhầm ra ngân hàng, để ngân hàng xác nhận đúng người đã chuyển nhầm và thực hiện các thủ tục lấy lại tiền” - bạn đọc Bảo Long.

- “Tôi không cổ súy việc tham lam chiếm dụng tiền của người khác nhưng khi tiền vào tài khoản của mình thì mình không có lỗi gì cả . Họ chuyển nhầm (cố ý hay vô ý) là lỗi của họ, muốn gì thì họ đến ngân hàng để xử lý. Khi nào ngân hàng đề nghị mình hợp tác hoàn trả lại tiền nhận nhầm thì họ yêu cầu ngân hàng thực hiện các thủ tục chuyển tiền, mình chỉ hoàn trả lại vào tài khoản của ngân hàng đó có tên pháp nhân là ngân hàng. Mình không phải liên hệ với những người chuyển nhầm kia nên sẽ không sợ bị lạm dụng hay lừa đảo”- bạn đọc Hoàng Anh.

- “Giờ thời đại 4.0 nên rất nhiều giao dịch chuyển tiền đều bằng hình thức online. Bên cạnh sự thuận tiện thì cũng có nhiều rắc rối xảy ra. Vì thế chúng ta nên cận thận khi chuyển tiền đừng để nhầm mà ảnh hưởng đến người khác. Vụ khởi tố trên, hành vi phạm tội của người nhận tiền rồi xài luôn đã rõ, không thể bàn cãi và pháp luật phải trừng trị. Tuy nhiên, người chuyển tiền nhầm cũng có lỗi một phần vì chuyển nhầm để kẻ gian có cơ hội phạm tội”- bạn đọc Mạnh Hùng.

Cảnh giác chiêu lừa chuyển tiền nhầm tài khoản

Thời gian vừa qua, cơ quan công an cũng đã đưa ra cảnh giác với một số chiêu lừa chuyển tiền nhầm tài khoản để chiếm đoạt tài sản.

Chiêu lừa thứ nhất: Thủ đoạn của các đối tượng xấu là cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người nào đó.

Sau khi bên kia nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi cắt cổ.

Chiêu lừa thứ hai: Đối tượng lừa đảo chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ giới thiệu mình đang sống tại nước ngoài và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm.

Để trả lại số tiền, người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Thế nhưng, sau khi điền xong thông tin, số tiền trong tài khoản của người nhận đã bị rút hết.

Trên đây là những chiêu lừa mà người dân nên cảnh giác. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp người A muốn chuyển tiền cho người B nhưng lỡ chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người C.

Một chuyên gia ngân hàng khuyến cáo: Để tránh bị vi phạm pháp luật thì khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm.

Ngoài ra, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.

Người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm.

Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không hoặc đến trực tiếp ngân hàng để làm việc.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm