Gửi thông tin đến Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Văn Dân (ngụ phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM) phản ánh cách đây hơn bốn tháng, ông có chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của bà TTM với số tiền 500 triệu đồng.
Sau khi phát hiện việc chuyển nhầm, ông Dân đã liên hệ để nhờ bà M chuyển lại nhưng bà M chỉ chuyển lại 200 triệu đồng, số tiền còn lại sau nhiều lần liên hệ nhưng bà M vẫn chưa chịu trả.
Chuyển tiền nhầm, đòi hoài chưa trả
Theo ông Dân, ngày 6-4, do có nhu cầu mua đất tại tỉnh Bình Phước nên ông đã chuyển tiền cho người quen tên Đặng Thị Mai để nhờ đặt cọc mua đất. Tuy nhiên, khi thực hiện thao tác chuyển tiền trên điện thoại, ông đã chuyển nhầm vào tài khoản tên TTM, của ngân hàng T mở tại Chi nhánh quận Tân Bình, TP.HCM.
Sau khi phát hiện mình đã chuyển nhầm, ông Dân đã liên hệ với bà M để thông báo việc chuyển nhầm tiền và nhờ bà chuyển lại. Bà M xác định đã chuyển toàn bộ số tiền mà ông Dân chuyển nhầm cho một tài khoản của bạn bà. Đồng thời, bà M cũng cam kết với ông Dân sẽ yêu cầu người bạn chuyển trả lại cho ông.
Sau đó, ông Dân nhận được số tiền 200 triệu đồng từ tài khoản của bà M chuyển trả lại cho ông.
Ông Dân cho biết thêm sau nhiều lần liên hệ với bà M nhờ trả lại số tiền còn lại nhưng bà M lại yêu cầu ông cung cấp xác nhận của ngân hàng việc chuyển nhầm tiền. Bởi theo bà M, hiện tại cũng có một người khác yêu cầu bà trả lại số tiền 500 triệu đồng.
Ông Dân phản ánh vụ việc chuyển nhầm tiền với phóng viên. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Theo yêu cầu, ông Dân đến ngân hàng xin xác nhận và chuyển cho bà M nhưng bà vẫn không đồng ý chuyển trả số tiền còn lại. Không còn cách nào khác, ông Dân đã nhờ ngân hàng can thiệp gọi điện thoại cho bà M để trao đổi việc chuyển nhầm tiền. Tuy nhiên, bà M phản hồi lại với nhân viên ngân hàng là bà chỉ làm việc với ông Dân chứ không làm việc với nhân viên ngân hàng.
“Tôi đã rất nhiều lần liên hệ với bà M để nhận lại số tiền đã chuyển nhầm còn lại nhưng bà M không chịu trả hết mà giữ lại 300 triệu đồng. Quá bức xúc trước hành vi cố tình không trả lại tiền của bà M, ngày 19-5 tôi đã đến Công an quận Tân Bình gửi đơn tố giác hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác của bà M. Thế nhưng đã ba tháng trôi qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Hiện gia đình tôi đang rất cần số tiền trên để giải quyết công việc. Rất mong các cơ quan chức năng sớm can thiệp để bảo quyền lợi cho người dân” - ông Dân bức xúc.
Cơ quan công an đang giải quyết
Theo một nguồn tin tại Công an quận Tân Bình, hiện nay cơ quan công an bước đầu xác minh giải quyết đơn tố giác của ông Dân.
Từ thông tin mà ông Dân cung cấp thì bà M, người đang chiếm dụng tiền của ông có địa chỉ thường trú ở quận 8. Thế nhưng, khi Công an quận Tân Bình đến xác minh thì bà M đã bán nhà, chuyển đi nơi khác.
Cũng theo nguồn tin, về thẩm quyền giải quyết tin tố giác mà người dân gửi đến cơ quan Công an quận Tân Bình là đúng bởi tài khoản của bà M mà ông Dân chuyển tiền vào ở quận Tân Bình.
Tuy nhiên, công an phải tìm gặp và tiếp xúc với bà M xác định lại thông tin việc số tiền đó được rút ra tại đâu, nếu ở quận Tân Bình thì Công an quận Tân Bình sẽ thụ lý và có dấu hiệu thì khởi tố vụ án. Nếu việc rút khoản tiền mà ông Dân gửi nhầm ở nơi khác thì cơ quan chức năng nơi rút tiền sẽ giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp cơ quan công an không tìm được bà M, cơ quan công an sẽ làm văn bản gửi đến ngân hàng để yêu cầu ngân hàng xác định số tiền ông Dân chuyển nhầm cho bà M được rút ở đâu để xác định nơi giải quyết vụ án.
Để nắm thêm thông tin, PV đã liên lạc với bà M nhưng sau nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin, bà M vẫn không phản hồi.•
Nhận tiền chuyển nhầm không trả có thể bị phạt tù
Khi một người vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người nhận phải có trách nhiệm trả lại cho người đã chuyển nhầm.
Tại khoản 1 Điều 579 BLDS quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 176 BLHS quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt đến hai năm tù.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, nếu xác định rõ hành vi của bà M và bạn của bà còn có dấu hiệu sử dụng trái phép số tiền chiếm được thì có thể còn cấu thành tội phạm sử dụng trái phép tài sản của người khác được quy định tại khoản 1 Điều 177 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Cụ thể, người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Trường hợp này thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp huyện, nơi tội phạm xảy ra. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015.
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM