Chuyện về làng báo thể thao VN: Cầu thủ già làm nhà báo trẻ…

LTS: Chỉ là một bài tâm tình trên Facebook nhân ngày nhà báo Việt Nam nhưng với làng báo thể thao thì bài viết của nguyên Tổng Biên tập báoBóng Đá Vũ Mạnh Hải lại rất có ý nghĩa. Đặc biệt là mối dây liên kết giữa một anh lính đá bóng trong “thế hệ vàng” của Thể Công được cử sang CHDCND Triều Tiên tập huấn tại Bình Nhưỡng trong những năm 1966-1967, từng lập nhiều chiến công hiển hách, sau đó anh lính đá bóng đấy chuyển sang làm cây viết thể thao, rồi làm tổng biên tập báo Bóng Đá. Được phép của tác giả, xin được trích đăng để hiểu thêm về đoạn trường của một nhà báo thể thao đặc biệt.

Nhập ngũ năm 1965 với quân hàm binh nhì trong đội bóng đá trẻ Thể Công, tôi được đào tạo để trở thành cầu thủ. Tôi đã thi đấu 16 năm trong màu áo đỏ Quân đội, sau đó lại tiếp tục được học tập với quy hoạch dự kiến là sẽ về lại Thể Công làm HLV... Nhưng có vẻ như không có duyên với nghề HLV nên sau 3-4 năm làm HLV trưởng đội Quân khu Thủ đô và một số đội khác, năm 1988, tôi bất ngờ chuyển sang nghề báo khi đã… 38 tuổi!

Từ một cầu thủ già sang làm “nhà báo trẻ”, tôi không khỏi bỡ ngỡ nhưng cuộc đời tôi thật may mắn khi đã được anh em làng báo giúp đỡ, chỉ bảo tận tình. Nhờ thế tôi đã làm được việc nhưng chỉ mỗi một việc thôi: Viết về bóng đá!

Nguyên Tổng Biên tập báo Bóng Đá Vũ Mạnh Hải. Ảnh: ZING. Nhà báo Hồ Nguyễn, người quyết liệt nhất trong việc khai sinh và hình thành báo Bóng Đá. Ảnh: PV

Giờ đây nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp những người anh, những người bạn - những nhà báo kỳ cựu đã giúp tôi: Đó là cố Tổng Biên tập báo Thể Thao Việt Nam Nguyễn Thế Hào, cố nhà báo Nguyễn Duy Vượng, cố nhà báo Tường Vi, cố nhà báo Phan Sang, Phùng Bảo Kim... Đó là các anh Trần Can, Nguyễn Hùng, Vũ Công Lập, Bùi Việt Sỹ, Hoàng Đô, Huy Hoàng... và các bạn tôi, những nhà báo Trương Nguyên Việt, Thanh Chất, Huy Quân, Đức Trường, Minh Hùng, Nguyễn Nguyên...

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tôi nhớ họ không chỉ vì họ chỉ bảo tôi tận tình những vấn đề về nghiệp vụ báo chí mà họ còn bảo vệ tôi với tư cách là một “thằng cầu thủ” bóng đá đã sát cánh cùng họ trong đội ngũ báo chí thể thao! Đặc biệt, tôi biết ơn và luôn dành tình cảm trân trọng nhất đến bạn tôi: Nhà báo Hồ Nguyễn (nguyên chủ biên báo SGGP Thể Thao)! Chính anh Hồ Nguyễn đã trao đổi, thuyết phục tôi (lúc ấy tôi là trưởng Ban Thông tin tuyên truyền của VFF, còn anh là phó ban) đề xuất với lãnh đạo VFF xin phép Cục Báo chí xuất bản tờ Bản tin Bóng Đá. Đó cũng là tiền đề hình thành cơ sở vững chắc để tờ báo Bóng Đá ra đời.

Đến nay tôi phải thú thật là nếu không có Hồ Nguyễn thì không có tờ Bóng Đá. Và trong quá trình phát triển tờ báo Bóng Đá, biết bao khó khăn đã xảy ra, có lúc tưởng như đã “sập tiệm” nhưng như có “quý nhân phù trợ”. Tôi lại được tiếp sức bởi hai bạn trẻ thông minh, mạnh mẽ và quyết đoán là Phan Đăng Khoa và Nguyễn Quang Đạo, đã chung sức cùng tôi, Hồ Nguyễn và anh em trong tòa soạn lao động cật lực. Anh em đã sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả chiếc xe máy là tài sản quý giá cuối cùng để tạo nên thành công để đời!

Với tôi, cuộc đời như thế, anh em như thế, bạn bè như thế! Thật là tuyệt vời...

Nếu định nghĩa hạnh phúc là thế nào thì tôi có thể khẳng định ngay lúc này: Ngày 21-6, nhớ lại những ngày làm báo của mình, xin chúc tất cả mọi người, các anh, các bạn, các em, các cháu đang làm báo sức khỏe và thành công trong sự nghiệp báo chí gian nan và nhiều thách thức! Xin thắp nén hương tưởng nhớ những người đã khuất. Xin chúc các anh, các bạn của tôi mạnh khỏe, nhiều niềm vui bên gia đình đầm ấm! Xin cảm ơn mọi người đã giúp đỡ tôi. Bởi nếu không có những người như thế, tôi chỉ là một cầu thủ cô đơn, lạc lõng giữa cánh đồng báo chí mà thôi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm