Vì thế, làng bóng quốc nội lâu nay thường hành xử theo kiểu “lệ làng” và đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là giới quần đùi áo số chỉ quen đá bóng lại thiếu kiến thức về pháp luật. Thế nên mỗi lần xảy ra tranh chấp, dân cầu thủ thường chịu nhiều phần thua thiệt mà không biết kêu ở đâu.
Mới đây, việc hai cầu thủ Đức Linh và Ngọc Điểu nhờ luật sư vào cuộc để thắng kiện CLB chủ quản Cần Thơ là một sự kiện hi hữu ở lần đầu tiên. Chỉ với chi tiết CLB Cần Thơ ra văn bản đơn phương thanh lý hợp đồng và hai ngày sau đẩy cầu thủ “ra đường” đủ thấy cách xử lý rất máy móc lẫn không hiểu biết đầy đủ về luật.
Cho nên việc Cần Thơ buộc phải chịu thua kiện và bồi thường hơn 700 triệu đồng cho hai cầu thủ này là không oan nhưng điều đáng nói nguyên đơn khi được vạ thì má đã sưng. Suốt hơn năm tháng ròng rã, Đức Linh, Ngọc Điểu lâm vào cảnh thất nghiệp và xấu hổ với người thân đã không dám về nhà, vẫn phải chạy vạy kiếm tiền thuê luật sư đấu tranh tìm lại lẽ công bằng. Họ thậm chí còn cầm cố giấy tờ tùy thân để sống qua ngày và bây giờ vẫn phải ngóng đợi Cần Thơ sẽ “thi hành án” hay lại cố tình “câu giờ”.
Không ai lạ những trò “ma” của nhiều đội bóng thường có nhiều trò khuất tất đối với cầu thủ theo như việc ký hợp đồng khống rồi sau đó thêm vào các điều khoản gây bất lợi cho người lao động. Dễ nhất vẫn là một chiến dịch “củng cố nhân sự cho mùa bóng mới” theo kiểu của Cần Thơ nhằm bỏ người cũ, lấy người mới về cùng các khoản lót tay có lại quả mà bất chấp thi hành trái luật.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sắp bước sang tuổi 16 nhưng vẫn mạnh ai nấy chạy một cách hỗn loạn và sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.