Chuyện về VĐV Nam giả Nữ: Thân sâu, hồn bướm!

Trước đó, VĐV cầu mây Lưu Thị Thanh đã tiết lộ nhiều bí mật hậu trường, trong đó nổi bật nhất là khát khao được làm đàn ông của một số nữ VĐV. Còn kỳ này, chúng tôi sẽ kể về các VĐV nam nhưng luôn nhận mình là đàn bà, sinh hoạt cùng đội nữ, thậm chí đã từng đạt thành tích cao tầm châu lục ở các nội dung thi đấu nữ. Để cuộc sống của VĐV “thân sâu hồn bướm” ấy không bị xáo trộn, chúng tôi không nêu danh tính cụ thể mà chỉ kể những câu chuyện về số phận của họ.

Đàn ông... đái ngồi

Chuyện về VĐV Nam giả Nữ: Thân sâu, hồn bướm! ảnh 1

VĐV điền kinh Caster Semenya (Nam Phi) – Nhà vô địch Thế giới và Nam Phi cự ly 800m cũng đang bị nghi ngờ là trai giả gái.

Là trưởng phòng y tế của Trung tâm HLQG Nhổn nên bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền nắm rất rõ những vụ việc tế nhị này. Bác sĩ Hiền cho biết: “Khi chúng tôi đưa họ đi siêu âm thì cho kết quả rất bất ngờ: phát hiện hoóc môn nam, không có tuyến vú, không có bộ phận sinh dục nữ, có bộ phận sinh dục nam nhưng tinh hoàn ẩn vào trong… Trong tất cả các trường hợp này, họ đều là nam nhưng khi kết luận họ là nam giới thì hầu như ai cũng khóc thút thít rồi bỏ về, từ chối phẫu thuật và vẫn nhận mình là nữ giới”.

Mỗi trường hợp có một cách phát hiện riêng nhưng để những thân phận bị lạc giới tính này đi kiểm tra y tế lại là cả một câu chuyện dài, với những khó khăn chẳng giống nhau. Như trường hợp một VĐV chạy 800m ở Huế với thành tích tốt ở mức 2’11 và được HLV Hồ Thị Từ Tâm giới thiệu lên tuyển. HLV Dương Đức Thủy tiết lộ: “Lúc đó, thành tích của VĐV này cũng tốt nhưng chưa phải hạng xuất sắc nên chúng tôi gọi lên tuyển chỉ để kiểm tra y tế. Nhưng cậu ta từ chối rồi lặn mất tăm một thời gian mới dám xuất đầu lộ diện trở lại”.

Vì những trường hợp thuộc dạng này liên quan nhiều đến các VĐV điền kinh nên ông Dương Đức Thuỷ nghiên cứu rất kỹ và nhận được nhiều lời giải thích từ những bác sĩ có uy tín trong và ngoài nước. Ông Thủy lập luận: “Người bình thường thì chỉ có chuỗi nhiễm sắc thể XY hoặc XX nhưng do những VĐV dở nam dở nữ này lại là XXY nên mọi thứ mới phức tạp thế. Về cơ thể họ, kiểm tra thì thấy niệu đạo của họ nhỏ và đi xuống dưới nên khi đi tiểu, họ không thể đứng mà phải ngồi như nữ giới. Lâu ngày, với cách sinh hoạt rồi suy nghĩ này, họ đã tự cho mình là con gái, dù cơ thể không có bộ phận đặc trưng nhất của phụ nữ”. Kể từ đó, giới chuyên môn gọi những VĐV đặc biệt này là “đàn ông… đái ngồi”.

Bố mẹ không hay, thầy cô bó tay

Chuyện về VĐV Nam giả Nữ: Thân sâu, hồn bướm! ảnh 2

Tính tới thời điểm này, thể thao Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 5 trường hợp VĐV nam đăng ký sinh hoạt, tập luyện với các VĐV nữ và thi đấu, giành thành tích ở những nội dung thi đấu của nữ. Thật trùng hợp, tất cả đều thuộc về bộ môn điền kinh. Dù đến từ những địa phương khác nhau như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bắc Giang, Huế và tính cách cũng rất khác nhau nhưng họ có một biệt tài chung là giấu giếm một cách tài tình trong nhiều năm trời và cùng đột ngột nghỉ thi đấu khi được yêu cầu kiểm tra giới tính thật.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng vụ Thể thao Thành tích cao I của Ủy ban TDTT (cũ), kể: “Các cậu VĐV này có tác phong như con gái, da dẻ mịn màng, chân tay nhẵn nhụi, không có râu ria, vai thon. Họ rất nữ tính, chỉ dùng nhà vệ sinh nữ, phụ kiện của nữ, mọi sinh hoạt đều như một cô gái bình thường khác, từ bôi kem chống nắng, dưỡng da, cũng trang điểm kẻ mắt, son môi. Nhưng họ không bao giờ tắm chung với các đồng đội nữ và họ luôn sống tách biệt”.

Sau thời gian dài sinh hoạt, tập luyện và thi đấu cùng nhau, sự nghi ngờ các VĐV nữ đối với những “đồng đội đặc biệt này” ngày một lớn dần, thậm chí đã có những lời khẳng định về giới tính của họ. Nhìn cảm quan bề ngoài, vòng một của những VĐV này rất nhỏ, không đáng kể và đó là dấu hỏi đầu tiên. Chăm sóc sức khoẻ cho VĐV nữ, các bác sĩ phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt từng tháng, để từ đó tính toán điểm rơi phong độ cũng như điều chỉnh giáo án tập luyện cho hợp lý.

Nhưng với những VĐV “thân sâu, hồn bướm”, họ chẳng bao giờ thông báo hiện tượng hàng tháng và tập luyện, thi đấu vô tư từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Dù chưa thể khẳng định một cách chắc chắn với chứng cứ khoa học thuyết phục, nhưng dẫu sao, các HLV, bác sĩ đã phát hiện ra nhiều biểu hiện lạ.
Trong số 5 VĐV đã bị phát hiện, VĐV chạy cự ly ngắn quê ở Bắc Giang là một trường hợp cực kỳ đặc biệt bởi bố mẹ của em hoàn toàn không biết gì về giới tính thật của con. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi ngay cả bố mẹ của em cũng không hề hay biết gì. Bố VĐV này cũng không thể tin đó là sự thật khi được thông báo kết quả. Mẹ em chỉ thấy một vài nét bất thường nhưng cũng cho qua bởi thấy con gái mình vẫn tập luyện, thi đấu tốt và vẫn cực kỳ nữ tính”.

Lỗi đầu tiên ở khâu... sơ tuyển
Nguyên nhân cơ bản và khởi đầu cho sai lầm là khâu sơ tuyển rất qua loa. Các địa phương thấy VĐV có tiềm năng là nhận vào đào tạo mà chẳng kiểm tra kỹ càng gì cả. Các thầy cô, thấy VĐV để tóc dài, thích chơi búp bê thì mặc nhiên đăng ký là VĐV nữ và thi đấu vô tư. Rồi lúc vào đội, sinh hoạt chung, họ biểu hiện hoàn toàn là con gái, từ trong suy nghĩ nên mọi người cũng mặc nhiên công nhận, dù đôi lúc thấy “kỳ kỳ làm sao ấy”. HLV Dương Đức Thủy thừa nhận: “Đúng là cũng khó phát hiện thật nhưng bằng trực quan, cũng có thể phát hiện ra nhiều điều bởi hệ cơ xương của nam và nữ khác nhau cực kỳ nhiều. Công tác sơ tuyển kém mới xảy ra những tình trạng này. Hồi xưa, bọn tôi khi 11, 12 tuổi, lúc đi sơ tuyển VĐV, bọn tôi bị lột trần hết cả để kiểm tra. Rất đơn giản và hiệu quả”.

Vụ “VĐV nam thi đấu nội dung nữ” đầu tiên bị phát hiện thuộc về một VĐV đẩy tạ của Đồng Tháp. Theo lời kể của ông Nguyễn Hồng Minh, lúc bấy giờ, có nhiều lời xì xào rồi phản ánh, thậm chí là tố giác nên ông đã yêu cầu bộ môn điền kinh phải kiểm tra và báo cáo. Dù có kết luận rõ ràng nhưng rất nhiều vụ việc vẫn không thể giải quyết. Như vụ một VĐV tham dự Hội khỏe Phù Đổng, có nhiều sự xung đột về giới tính khai trong giấy khai sinh và kiểm tra y học chẳng hạn. Nhưng luật thể thao là thế, đành thôi không sử dụng nữa chứ biết làm sao bây giờ.

Ông Hồng Minh cho biết: “Sau này khám, phát hiện ra bộ phận sinh dục bị dị tật, tức là ẩn vào trong, sống như lưỡng tính. Cũng bởi các VĐV này chưa có thành tích lại tự nghỉ thi đấu nên cũng chẳng có ai truy cứu nữa. Lúc đó, tất cả đều lúng túng bởi có rất nhiều ý kiến bàn ra tán vào nhưng tuyệt nhiên chẳng có văn bản nào quy định là những người như thế thì thi đấu theo diện nào. VĐV chỉ được phân loại theo 2 giới: nam và nữ, chứ không có thế giới thứ ba”.

Sự nghiệp đứt gánh giữa đường
Trong số 5 VĐV thân nam hồn nữ đã được chứng minh về giới tính, không ai có thành tích tốt khi so sánh với các VĐV nữ “xịn” và họ hoàn toàn vắng bóng trong danh mục VĐV đỉnh cao. Tuy nhiên, điểm khởi đầu của các VĐV “thân sâu hồn bướm” này khiến rất nhiều đồng nghiệp phải ghen tỵ. Vì là đàn ông nên về sức mạnh cơ bắp, họ hơn các VĐV nữ và thường tập luyện rất tốt, thi đấu nổi bật trong đám đông.

Tuy nhiên, phần lớn sự nghiệp của những VĐV đặc biệt này thường đứt gánh giữa đường bởi họ không thể giấu giếm mãi bí mật bởi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Trong quá trình bị nghi ngờ, diễn biến tâm lý của họ cũng rất phức tạp và không thể tập trung vào tập luyện, thường gặp bất ổn về suy nghĩ và mất ngủ về đêm nên thể lực suy giảm, tinh thần suy kiệt bởi nhất cử nhất động họ đều phải đề phòng. Hậu quả là phong độ giảm sút và đánh mất hết sự tự tin. Khi bị phát giác, tất cả các VĐV này đều chọn giải pháp nghỉ giữa chừng và trốn biệt để “bảo vệ bí mất đến cùng”. Thế nên, sự nghiệp của họ sớm kết thúc, thậm chí, có VĐV nghỉ thi đấu sau giải đấu đầu tiên. Cũng may bởi nếu những VĐV này có thành tích tốt, ngành thể thao sẽ rất khó xử.

Đàn bà... lấy vợ và sinh con
Cả 5 VĐV bị lệch lạc giới tính bị phát hiện đều nhận được lời đề nghị giúp đỡ, thậm chí đài thọ kinh phí để làm phẫu thuật hòng trở về với giới tính thật của mình nhưng họ đồng loạt từ chối. Lúc đó, họ chỉ đề nghị ngành thể thao không công khai vụ việc, tiết lộ danh tính và mong giữ cuộc sống hiện tại.

Thậm chí, ngay sau khi bí mật của mình bị phát hiện, nhiều người đã có lựa chọn tiêu cực và trốn biệt trong một thời gian dài. Họ chỉ trở về nhà khi sóng yên, biển lặng và hiện nay vẫn sống cuộc sống yên ổn như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy, một vài người trong số 5 VĐV nói trên đã dũng cảm thay đổi cơ thể cho đúng với bản chất con người mình và họ đã phẫu thuật thành công. Thậm chí, “VĐV nữ một thời ấy” đã lấy vợ và cho ra đời những em bé hoàn toàn khoẻ mạnh, phát triển bình thường. Giờ họ nhìn nhận một cách đơn giản rằng đó là khiếm khuyết của cơ thể, giống như một loại chấn thương cục bộ và khi điều trị đúng cách, con người sẽ trở lại bình thường.

Khó nhất là tìm bằng chứng khoa học
Chuyện VĐV nam đăng ký thi đấu ở nội dung nữ chẳng khác nào chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim nhưng nó vẫn xảy ra mà “đôi khi tất cả những người mắt tinh, tai thính và giỏi chuyên môn nhất cũng bị đánh lừa”. Sau mấy chục năm tham gia tập luyện, thi đấu, huấn luyện và quản lý, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh của Tổng cục TDTT kiêm HLV trưởng đội tuyển điền kinh Quốc gia, thừa nhận: “Phát hiện những vụ việc như thế này dễ thì rất dễ nhưng khó thì cực kỳ khó. Nó phụ thuộc vào từng trường hợp. Cũng chẳng khác chuyển giới tính ở Thái Lan, nếu người ta cố tình thì chẳng ai phát hiện nổi bởi từ bề ngoài đến suy nghĩ, họ đều nghĩ mình là nữ giới. Để khẳng định một cách thuyết phục họ là con gái, chúng ta cần kiểm tra y học và có bằng chứng cụ thể. Trong khi, cứ gọi họ đi kiểm tra là tất cả đều… trốn. Thế nên, đến bây giờ, mới chỉ phát hiện ra 5 trường hợp và con số thật có thể cao hơn thế nhiều”.

Thế giới cũng không hiếm
Hiện nay, thể thao Việt Nam có ít nhất 5 trường hợp VĐV nam giả nữ để đi thi. Trên thế giới, những vụ việc VĐV nam giả nữ cũng không phải là hiếm, với những biểu hiện khác hẳn nhau nhưng có chung một giải pháp là cấm thi đấu, tước huy chương, không công nhận thành tích. Tuy nhiên, những trường hợp này thường diễn ra ở những nền thể thao chậm phát triển, của những nước nghèo. Ông Dương Đức Thủy cho biết, nữ VĐV See Kim Dan của CHDCND Triều Tiên đã vô địch thế giới ở nội dung chạy 400m nhưng bị phát hiện là con trai nên thành tích bị hủy, huy chương được thu hồi và bản thân See Kim Dan cũng nhận hình thức kỷ luật của Liên đoàn điền kinh thế giới.

Theo Minh Hải (Bóng đá & Cuộc sống)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm