Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, đơn vị này đánh giá dự thảo của Bộ GTVT bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh, nhất là về kinh doanh vận tải bằng xe taxi, như cắt giảm quy định về niêm yết logo, màu sơn biểu trưng, điều kiện về trung tâm điều hành, tần số, thiết bị liên lạc... Tuy vậy, nhìn chung nội dung chưa có những đổi mới cần thiết, đủ mạnh theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
CIEM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT soạn thảo lại dự thảo theo hướng tháo gỡ các điều kiện kinh doanh không cần thiết cho doanh nghiệp. Ảnh: VIẾT LONG
Cho rằng cách tiếp cận của Bộ GTVT là người dân, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì do pháp luật quy định và theo quy định của pháp luật, theo CIEM đây là cách tiếp cận trái với Hiến pháp, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là người dân, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm.
CIEM dẫn chứng, như quy định yêu cầu doanh nghiệp vận tải báo cáo Sở GTVT về các nội dung, hợp đồng mẫu… của ứng dụng phần mềm (trong khi các ứng dụng đã được đăng ký/thông báo cho Bộ Công Thương theo quy định về thương mại điện tử). Đặc biệt, yêu cầu chỉ được ký một hợp đồng… hoặc quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe kinh doanh vận tải khách du lịch (có điểm xuất phát và điểm kết thúc của chuyến đi không nằm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau.
Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, CIEM cho rằng tuyệt đối không được ngăn cản đổi mới, sáng tạo, nhất là đổi mới sáng tạo trong phương thức kinh doanh. Theo đó, đơn vị này nhận xét dự thảo hiện tại chưa đạt được mục tiêu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, chắc chắn không giải quyết được những bất cập hiện tại mà thậm chí tạo thêm nhiều khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp…
Vì vậy, CIEM đề nghị Chính phủ chưa nên thông qua dự thảo này và yêu cầu Bộ GTVT soạn thảo lại dự thảo Nghị định theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Trong trường hợp soạn thảo lại dự thảo Nghị định thì ngoài các kiến nghị cụ thể đối với các điều khoản ở phần tiếp theo, CIEM đề nghị tuân thủ nguyên tắc sau: Loại bỏ tư duy cài cắm lợi ích; không được cài cắm điều kiện kinh doanh trong định nghĩa. Đặc biệt, bỏ các quy định theo kiểu “quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”.
Cụ thể, Khoản 2, Điều 3 dự thảo đưa thêm “mục đích sinh lợi” nhằm loại bỏ việc vận chuyển nội bộ. Tuy nhiên, mục đích vận chuyển nội bộ vẫn là sinh lợi, nhưng lợi ích ở đây chỉ là không trực tiếp mà đó là một phần lợi ích chung của doanh nghiệp, của tổ chức.
Việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải như ý kiến trong dự thảo của Bộ GTVT.
“Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức kinh doanh hoàn toàn mới; áp dụng quy định hiện hành để quản lý là hoàn toàn không phù hợp. Vì vậy cần nghiên cứu, đề xuất các quy định mới phù hợp để quản lý, nếu xét thấy cần thiết như các loại hình kinh tế chia sẻ khác…”, lãnh đạo CIEM kiến nghị.
Điểm e, Khoản 1, Điều 7 và Điểm c, Khoản 2, Điều 8 dự thảo quy định: “Mỗi chuyến xe chỉ được ký một hợp đồng”. Với quy định trên, doanh nghiệp phải đi tìm khách hàng là tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả một chuyến xe là không có căn cứ pháp lý, hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, khách hàng.
“Ví dụ, gia đình có năm người muốn đi hợp đồng bằng xe giường nằm hoặc muốn đi ghép với những cá nhân khác để giảm chi phí mà phải thuê nguyên cả một chiếc xe. Yêu cầu này chẳng khác nào vào thuê phòng ngủ cho mình mà phải thuê cả khách sạn…”, CIEM nêu quan điểm.