Có ai chống lưng cho xe quá tải không?

Sáng 9-4, tại hội nghị sơ kết bảo đảm an toàn giao thông quý I, Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng tình trạng ô tô chở quá tải đang tái diễn tại nhiều địa phương, dẫn đến cầu, đường ở nhiều nơi bị xuống cấp.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị sơ kết quý I-2021 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Ảnh: VGP

Chở quá tải là phá hoại tài sản quốc gia

Phó Thủ tướng thường trực dẫn chứng đêm 5-4, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý hàng chục xe bồn chở quá tải trên 50% ngay giữa thủ đô Hà Nội.

“Theo thông tin từ báo chí thì vấn nạn này không chỉ mới tái diễn gần đây. Báo chí còn nêu cả việc những xe vi phạm có logo nhận diện riêng, nghi ngờ có bảo kê, chống lưng” - Phó Thủ tướng nói.

Cho rằng dư luận xã hội rất bức xúc khi thấy những tuyến đường đầu tư cả trăm tỉ, cả ngàn tỉ xuống cấp trầm trọng, mặt đường hằn lún, đầy ổ gà, ổ trâu chỉ sau một thời gian ngắn bị xe quá tải lưu thông, tai nạn cũng từ đó mà tăng lên, Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng việc chở hàng hóa quá tải trọng cầu, đường chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, cần phải xử lý thật nghiêm.

“Đề nghị các đồng chí công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không? Có thì xử lý thật nghiêm, không có thì cũng công bố để dư luận đỡ nghi ngờ” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Qua theo dõi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy tình trạng xe quá tải đã tái diễn trở lại và ngày càng gia tăng. Đặc biệt tại một số đường địa phương, nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp…

Kiểm tra xe quá tải ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phê bình 30 tỉnh có số người chết tăng

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, trong quý I, trên cả nước xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 263 vụ, giảm 183 người bị thương nhưng số người chết tăng 33 người (tăng 2,1%).

Trong đó, 30 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ, trong đó có 16 tỉnh tăng trên 30% gồm: Thái Bình, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bạc Liêu, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Lâm Đồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Quảng Bình.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, để kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông, tới đây ngành sẽ chỉ đạo mở các cao điểm về đảm bảo ATGT, sát tình hình thực tế. Trong đó sẽ đồng bộ việc xử lý vi phạm và tuyên truyền. Đồng thời gắn trách nhiệm giữa ba ngành là công an, kiểm sát, tòa án để điều tra, truy tố các hành vi gây mất ATGT.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết hiện nay việc chấp hành pháp luật giao thông, kể cả ở học sinh, sinh viên, cán bộ, viên chức còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm.

“Muốn tạo ra một thế hệ có ý thức tham gia giao thông văn minh chắc chắn phải từ các trường mầm non. Vì vậy, tôi mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, kiểm tra tăng cường thời lượng giáo dục ATGT với trường mầm non, cấp I, cấp II để tạo một thế hệ tham gia giao thông hiện đại, văn minh…” - ông Trung nói.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức nghiên cứu và biên soạn lại tài liệu văn hóa giao thông cho học sinh tiểu học và THCS phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Cạnh đó, ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên.

Phó Thủ tướng cũng phê bình 30 địa phương để số người chết do tai nạn giao thông tăng. Ông yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh này phải chỉ đạo sâu sát và quyết liệt hơn đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong quý II và cả năm 2021.

 

Sớm đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào khai thác

Tại hội nghị, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt và Công ty Metro Hà Nội xử lý dứt điểm các khuyến cáo của tư vấn về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện hai đơn vị trên đang khẩn trương xử lý các hạng mục của dự án theo khuyến cáo tư vấn độc lập về an toàn hệ thống.

“Chúng tôi thống nhất với Hà Nội sẽ bàn giao dự án nhanh nhất trong tháng 4 này để cuối tháng 4 có thể khai thác thương mại” - ông Thể nói và đề nghị UBND TP Hà Nội tập trung cùng bộ tiếp nhận bàn giao.

Phát biểu sau đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT và TP Hà Nội chú ý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Dự án đang ách tắc như vậy mà hứa rồi để kéo dài mãi là không được”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm