Có án lệ, thẩm phán không thể xử tùy tiện

Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Có án lệ sẽ giảm sai sót

Việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết về án lệ là cần thiết nhằm bổ khuyết cho những điểm thiếu hụt, chưa rõ ràng của hệ thống luật thành văn của nước ta. Tập hợp án lệ sẽ là căn cứ đối chiếu giúp việc giải quyết án của các tòa được thống nhất, bảo đảm cho việc xét xử công bằng hơn. Bởi lẽ người dân, đương sự có vụ việc tương tự đang được tòa giải quyết có quyền nghiên cứu án lệ để đối chứng, đề xuất các cấp tòa giải quyết theo án lệ nhằm bảo đảm sự công bằng.

Theo dự thảo nghị quyết, thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải nghiên cứu, vận dụng án lệ, nếu không thì phải nêu rõ lý do trong bản án. Như vậy, thẩm phán, hội thẩm sẽ không thể tùy tiện thích thì áp dụng án lệ, không thích thì không áp dụng. Án lệ sẽ trở thành cẩm nang để thẩm phán, hội thẩm xét xử trong trường hợp pháp luật chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ. Điều này giúp nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm, giảm thiểu sai sót, hạn chế tiêu cực. Sự công khai của án lệ không những là một kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hữu hiệu mà còn có tác dụng quan trọng giúp giảm thiểu đáng kể các kháng cáo, kháng nghị. Viện dẫn án lệ trong bản án còn làm tăng tính thuyết phục trong phán quyết của tòa.

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận:

Ban hành càng sớm càng tốt

Pháp luật của chúng ta hiện nay chưa theo kịp thực tế cuộc sống, có những vấn đề na ná nhau nhưng chưa có quy định cụ thể để giải quyết. Trong khi đó, án lệ là đường lối áp dụng luật pháp của các tòa về một vấn đề pháp lý đã trở thành tiền lệ để các thẩm phán theo đó xét xử trong những trường hợp tương tự về sau. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay thì nên tuyển chọn và công bố án lệ càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nên để sau thời điểm các bộ luật lớn có ảnh hưởng sâu rộng như BLDS (sửa đổi), BLTTDS (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được Quốc hội ban hành (và có hiệu lực) thì mới ban hành nghị quyết về án lệ là hợp lý nhất. Sau đó, trong quá trình áp dụng các bộ luật, luật sửa đổi thì áp dụng án lệ luôn để tránh sự hiểu không thống nhất về đường lối xét xử.

Chủ tọa đang tuyên án trong một phiên tòa lưu động tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An:

Cái gì tốt thì nên làm

Ngoài những mặt tích cực như dự thảo nghị quyết về án lệ của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra thì về thực tiễn, án lệ còn có nhiều lợi ích khác đối với riêng thẩm phán. Nó chống được tư duy xơ cứng của người xét xử, thậm chí làm thay đổi quan niệm chỉ áp dụng pháp luật thành văn ở chúng ta hiện nay. Điều này giúp thẩm phán vận dụng linh hoạt hơn với những vấn đề tương tự nhau để tạo ra một chuẩn mực đúng đắn, hợp lý trong xét xử.

ý kiến băn khoăn rằng nội hàm “làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau” của án lệ phải thuộc thẩm quyền giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn ngành tòa án chỉ được giải thích giới hạn ở phạm vi vụ việc cụ thể. Theo tôi, không nên suy nghĩ cứng nhắc như vậy vì cái gì tốt, có lợi thì nên làm. Việc áp dụng án lệ chắc chắn sẽ tốt hơn cho công tác xét xử, trong khi việc giải thích của cơ quan lập pháp trong những năm qua chưa đạt kết quả cao. Các nước cũng áp dụng được thì không lý gì chúng ta dùng lập luận trên để chối bỏ lợi ích của án lệ. Nếu cứ chờ giải thích pháp luật mà quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, các tranh chấp không được giải quyết thì sự chờ đợi đó có ý nghĩa gì?

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Ủng hộ cá nhân đề xuất án lệ

Mặt tích cực mà án lệ mang lại thì không cần bàn cãi nhiều bởi đa phần ai cũng công nhận và cho rằng cần thiết phải có. Bên cạnh những quy định hiện có của pháp luật thì cần phải áp dụng tập quán tương tự pháp luật và án lệ. Về bản chất, tòa xử theo án lệ là việc vận dụng các phán quyết có từ trước để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự. Về nguyên lý, người tạo ra án lệ là HĐXX ở bất cứ cấp tòa nào chứ không hẳn chỉ là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới có quyền làm ra án lệ.

Tôi đánh giá cao quy định của dự thảo nghị quyết về việc ngoài những người có trách nhiệm đề xuất án lệ là chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương thì cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể gửi đề xuất lựa chọn án lệ nếu đáp ứng được các tiêu chí mà dự thảo đề ra. Tôi cho đây là một nội dung rất tiến bộ, linh hoạt, là bước chuẩn bị tốt cho quy trình tuyển chọn án lệ sau này.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trường ĐH  Thủ Dầu Một:

Án lệ của tòa nào cũng phải tôn trọng

Một số ý kiến băn khoăn về việc dự thảo nghị quyết chưa làm rõ được giá trị của án lệ đối với các cấp tòa. Chẳng hạn nếu bản án, quyết định của tòa cấp huyện được chọn là án lệ và có hiệu lực thì có ràng buộc đối với việc xét xử của tòa cấp trên (tòa cấp tỉnh, tòa án cấp cao, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) hay không? Việc tòa cấp trên viện dẫn bản án, quyết định được công nhận là án lệ của tòa cấp dưới liệu có phù hợp?

Tôi nghĩ đây không phải là trở ngại lớn nếu được quy định rõ trong dự thảo nghị quyết. Theo đó, đã là án lệ thì bắt buộc HĐXX ở cấp tòa nào cũng phải có trách nhiệm tôn trọng và vận dụng. Không thể lấy lý do án lệ đó có nguồn gốc từ tòa cấp huyện mà tòa cấp cao không vận dụng theo. Bởi lẽ để trở thành án lệ thì bản án, quyết định đó đã được tuyển chọn, sàng lọc bằng một quy trình rất chặt chẽ, nghiêm túc. Quan trọng hơn, án lệ đó đã chứa đựng giá trị về mặt hướng dẫn khi vấn đề cần giải quyết chưa được pháp luật quy định. Không ai được quyền phủ quyết án lệ nếu như nó chưa được bãi bỏ theo trình tự quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới