Cá nhân cũng được đề xuất về án lệ

Theo dự thảo, án lệ là nội dung trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể, có tính chuẩn mực, chứa đựng lập luận để làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần được áp dụng trong việc giải quyết vụ việc cụ thể đó. Án lệ được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được chánh án TAND Tối cao công bố để các tòa nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Ba tiêu chí lựa chọn

Dự thảo quy định ba tiêu chí lựa chọn bản án, quyết định để phát triển thành án lệ:

Thứ nhất, đó là những quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, TAND cấp cao, tòa án quân sự trung ương hoặc quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của các tòa.

Thứ hai, các quyết định, bản án đó chứa đựng nội dung có tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Thứ ba, các quyết định, bản án đó chứa đựng lập luận làm rõ một hoặc một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau; có nội dung phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần được áp dụng trong việc giải quyết vụ việc cụ thể.

Nếu nghị quyết về án lệ được ban hành, các hội đồng xét xử sẽ có thêm cơ sở pháp lý để vận dụng trong trường hợp tương tự. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Quy trình tuyển chọn, hủy bỏ chặt chẽ

Việc tổ chức rà soát, phát hiện quyết định, bản án của các tòa để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành theo định kỳ sáu tháng. Những người có trách nhiệm rà soát để đề xuất là chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương (đối với quyết định, bản án của tòa mình và các tòa trực thuộc). Một điểm đáng chú ý là cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể gửi đề xuất lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa đáp ứng được ba tiêu chí trên (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học).

Sau khi nhận được đề xuất, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học sẽ tiến hành đăng tải các quyết định, bản án, nội dung được đề xuất công nhận làm án lệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến trong thời gian hai tháng.

Tiếp đó, trong thời hạn một tháng kể từ ngày hết thời hạn công bố lấy ý kiến nói trên, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì phối hợp với các vụ chức năng của TAND Tối cao tập hợp góp ý, nghiên cứu, đánh giá những nội dung trong quyết định, bản án được đề xuất… trình chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định thành lập hội đồng tư vấn án lệ. Trên cơ sở kết quả tư vấn của hội đồng này, chánh án TAND Tối cao sẽ tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để thông qua án lệ.

Trường hợp do sự thay đổi của pháp luật hoặc do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có trách nhiệm xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ. Những người có thẩm quyền, trách nhiệm rà soát, đề xuất về án lệ cũng có quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học). Sau khi tiếp nhận, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, báo cáo chánh án TAND Tối cao để tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét việc hủy bỏ, thay thế án lệ. Trên cơ sở kết quả biểu quyết của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, chánh án TAND Tối cao công bố việc hủy bỏ hoặc thay thế án lệ. Văn bản hủy bỏ hoặc thay thế án lệ phải đăng trên tạp chí TAND, cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao và gửi đến các tòa.

Những điểm còn băn khoăn

Khi bản dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến các cơ quan liên quan đã có một số ý kiến cho rằng nội hàm “làm rõ các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau” của án lệ là quá rộng. Bởi lẽ khi một quy định pháp luật không rõ ràng, cần được giải thích để có hiệu lực áp dụng thống nhất chung cho mọi chủ thể trong xã hội thì thẩm quyền giải thích thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thẩm quyền giải thích pháp luật của tòa, của thẩm phán chỉ nên giới hạn ở phạm vi để áp dụng cho việc giải quyết một vụ việc cụ thể.

Một số ý kiến khác thì băn khoăn về việc dự thảo chưa làm rõ được giá trị của án lệ đối với các cấp tòa. Liệu bản án, quyết định của tòa cấp huyện được công nhận là án lệ có hiệu lực ràng buộc đối với việc xét xử của tòa cấp trên (tòa cấp tỉnh, tòa án cấp cao, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao) hay không? Nếu có thì việc tòa cấp trên viện dẫn bản án, quyết định được công nhận là án lệ của tòa cấp dưới liệu có phù hợp?

Xử khác án lệ: Phải nêu rõ lý do

Theo dự thảo, khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết giống nhau phải được xử lý như nhau. Số bản án, quyết định của tòa có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý được án lệ giải quyết phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa.

Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành dẫn tới các nội dung của án lệ không còn phù hợp với pháp luật, không bảo đảm công bằng, công lý thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị để hủy bỏ, thay thế án lệ.

Đừng bỏ lỡ