Có cần thay thế lốp xe máy để không bị trượt ngã do trời mưa?

(PLO)- Người đi xe máy có cần phải thay lốp xe khi tham gia giao thông dưới trời mưa là vấn đề được nhiều người quan tâm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trưa ngày 7-5, cơn mưa lớn bất ngờ ập đến tại một số nơi thuộc TP.HCM khiến một số xe máy bị trượt ngã. Nhiều người cho rằng vì phanh gấp nên khiến bánh xe bị trượt, dẫn đến người dân bị ngã. Trước đó, những cơn mưa lớn bất ngờ cũng khiến nhiều người xảy ra tình trạng tương tự.

Xe máy bị ngã trời mưa có phải do lốp?

Theo đó, một số người dùng xe máy cũng đặt câu hỏi liệu rằng xe máy có cần thay thế lốp xe khi vào mùa mưa để tránh trượt ngã hay không.

Trời mưa
Hình ảnh người dân bị té ngã khi trời mưa. Ảnh: MXH

Trao đổi với PLO, anh Minh Phương, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại quận Tân Bình cho biết, "nguyên nhân khiến cho xe máy bị trượt ngã khi trời mưa có thể do lốp xe đã bị mòn, độ bám không còn cao".

“Do lốp đi lâu ngày không thay thế định kì nên không còn độ bám. Xưa nay, người dân sử dụng xe máy thường có thói quen thay lốp xe tính theo năm, có thể từ 5-7 năm nhưng thông thường các hãng lốp khuyến cáo chỉ sử dụng ở mức 15.000 - 20.000km”- anh Minh Phương cho hay.

Cũng theo vị chủ cửa hàng sữa chữa xe máy này, việc thay thế nhớt và lốp đều được khuyến cáo tính theo số kilomet vận hành. Người dân sử dụng xe hay có quan niệm sai lầm về bảo dưỡng thay thế. Do đó, các chủ xe cũng nên kiểm tra, thay thế lốp xe nếu cần thiết để đảm bảo an toàn khi lưu thông vào mùa mưa sắp tới.

CSGT TP.HCM khuyến cáo khi chạy xe dưới mưa

Vừa qua, Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) cũng chỉ ra nguyên nhân và hướng dẫn người dân cách lưu thông an toàn.

Theo CSGT, khi tham gia lưu thông dưới trời mưa, người điều khiển phương tiện phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn, dễ dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là đối với người đi mô tô, xe máy.

“Nguyên nhân khách quan của những vụ té xe trên có thể là do: bất cập trong kết cấu hạ tầng giao thông, thời tiết xấu dẫn đến tầm nhìn bị hạn chế, trời mưa đường trơn trượt khiến ma sát giữa lốp xe với mặt đường giảm đi, có nhiều vật cản bất ngờ như đất đá, cây cối, trũng nước sâu… Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan đến từ người lái xe cũng có thể khiến người đi xe máy bị té như: tâm lý nóng vội, lái xe nhanh khi trời mưa, thiếu chú ý, quan sát, không chấp hành các quy tắc an toàn giao thông khi tham gia lưu thông trên đường…”- CSGT cho rằng.

trời mưa
CSGT khuyến cáo người dân lưu ý khi di chuyển dưới trời mưa. Ảnh: NHƯ NGỌC

Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông dưới những cơn mưa chuyển mùa và sắp vào mùa mưa, CSGT TP.HCM khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần lưu ý:

1. Người dân khi tham gia giao thông cần tập trung chú ý quan sát, điều khiển phương tiện với tốc độ phù hợp để đảm bảo an toàn; tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường, chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, không phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là vào thời điểm trời sắp đổ mưa hoặc đang mưa nhỏ vì dễ xảy ra các tình huống bất ngờ khiến người điều khiển phương tiện không xử lý kịp thời, dễ xảy ra tai nạn giao thông;

2. Quan sát biển báo, dừng xe đúng nơi quy định, không dừng đỗ, tránh trú mưa, mặc áo mưa,… ở nơi khó quan sát hoặc nơi có cây to, biển báo lớn, hầm cầu chui (tại các thành phố lớn). Ở những nơi ngập nước, người lái xe cần chú ý khi giảm tốc độ, quan sát cẩn thận và đề phòng các xe khác né tránh vũng nước mà không chú ý quan sát, dễ xảy ra tai nạn. Khi mưa lớn, cần nắm bắt kịp thông tin về những điểm ngập sâu, chủ động chọn đường đi thích hợp tránh đi vào những điểm ngập nước dễ bị chết máy, gây hư xe và kẹt xe. Tuyệt đối không đi qua các khu vực dễ bị sạt lở, tràn nước chảy xiết để đảm bảo an toàn tính mạng, của cải của bản thân, gia đình và những người xung quanh;

3. Người điều khiển, người ngồi trên các loại xe mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp và các loại xe tương tự cần chú ý: Cần mang theo áo mưa để có thể sử dụng ngay trong các trường hợp trời mưa bất chợt. Khi sử dụng áo mưa cần lựa chọn những mẫu vừa vặn với cơ thể, tránh mặc những mẫu áo mưa quá rộng có thể làm cản gió, gây khó khăn cho việc điều khiển phương tiện khi gặp mưa to, gió mạnh.

Đối với áo mưa 2 vạt (hay còn gọi là áo mưa cánh dơi) không được trùm phủ tà áo lên tay lái hoặc vượt qua cụm đèn chiếu sáng, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến việc điều khiển xe và các phương tiện khác không quan sát được tín hiệu đèn của xe gây nguy hiểm. Trong trường hợp xấu, gió mạnh có thể làm vạt áo mưa bay ngược lên che khuất tầm nhìn của người lái xe.

Đối với tà áo mưa phía sau cần lót lên yên xe để ngồi, tránh tà áo mưa bị cuốn vào trong bánh xe gây tai nạn rất nguy hiểm;

4. Nên đội mũ bảo hiểm có kính chắn để hạn chế nước mưa tạt vào mặt và mắt làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển. Bên cạnh đó, việc đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng cũng góp phần hạn chế chấn thương khi các cành cây hoặc các vật ven đường bị gió quật rơi trúng vùng đầu;

5. Khi lưu thông trong trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế, người điều khiển phương tiện cần đi với tốc độ chậm, chú ý quan sát, bật đèn sương mù hoặc đèn chiếu sáng để các phương tiện khác dễ nhận biết, phòng tránh va chạm, tai nạn;

6. Người dân khi đi trên các phương tiện thủy nội địa, phà, tàu,… cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn, mặc áo phao đúng quy định;

7. Người dân khi tham gia giao thông nên theo dõi thông tin thời tiết trước, để chủ động cho bản thân, nếu trời có mưa kèm theo giông lốc, sấm sét, tốt nhất không nên ra ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm