Cơ chế, chính sách chưa tạo động lực cho hoạt động khoa học tại TP.HCM

(PLO)- Cơ chế, chính sách chưa có sự đồng bộ, không thể tạo động lực cho phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng kết quả khoa học - công nghệ vào sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-6, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Cơ chế, chính sách chưa tạo động lực cho hoạt động khoa học tại TP.HCM ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: T.THUỲ

Cơ chế chưa thể tạo động lực cho khoa học- công nghệ

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, cho biết hoạt động khoa học công nghệ của TP đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho sự phát triển của TP…

Kết quả này thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao, đạt trung bình 35,6%, trong đó đóng góp của khoa học vào tăng trưởng TFP là 74%.

Giai đoạn 2012 - 2021, năng suất lao động xã hội của TP cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận hoạt động khoa học - công nghệ tại TP.HCM còn nhiều hạn chế

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận hoạt động khoa học - công nghệ tại TP.HCM còn nhiều hạn chế. Ảnh: TIẾN LỰC

Dù vậy, TP cũng đối diện nhiều khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế, nhỏ, lẻ và tản mạn, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của TP, với xu hướng chung của khu vực và thế giới.

Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Việt Dũng nhìn nhận cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này chưa đồng bộ, không thể tạo động lực cho phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng kết quả vào sản xuất.

Ông Dũng cũng nói TP hiện chưa có những cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao…

TP cũng thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ở trình độ quốc tế.

Chưa thiết kế được nhiều nhiệm vụ khoa học - công nghệ tầm vóc và phạm vi tác động sâu rộng liên ngành, do đó các kết quả nghiên cứu chưa được như kỳ vọng của lãnh đạo TP, chưa tạo được sản phẩm khoa học - công nghệ thực sự mang tính đột phá, chủ lực, mang thương hiệu của TP.

Ông Dũng cho rằng cần tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan.

Cạnh đó, cần các giải pháp mạnh mẽ để thu hút cán bộ khoa học - công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của TP, tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp.

Giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Việt Dũng nêu nhiều thách thức với hoạt động khoa học - công nghệ của TP.HCM

Giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Việt Dũng nêu nhiều thách thức với hoạt động khoa học - công nghệ của TP.HCM. Ảnh: TIẾN LỰC

Ngoài ra, phải tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi đưa các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân không chỉ trên địa bàn TP mà còn cho cả nước, khu vực và thế giới.

Làm thủ tục quyết toán mệt hơn làm khoa học

Các tham luận tại hội thảo cho rằng TP cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số.

Trong bối cảnh phải tăng cường liên kết vùng, TP không chỉ là hạt nhân cung cấp dịch vụ đô thị chất lượng cao và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại mà còn là mắt xích quan trọng góp phần lan tỏa phát triển công nghiệp công nghệ cao của vùng trong thời kỳ mới.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cùng thảo luận với các đại biểu tham dự

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cùng thảo luận với các đại biểu tham dự. Ảnh: TIẾN LỰC

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng TP cần có cơ chế vượt trội cho khoa học - công nghệ và TP đang rất kỳ vọng vào các “cơ chế vượt trội” trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

"Cơ chế vượt trội này phải đi đến các lĩnh vực, làm sao khoa học công nghệ sẽ đưa TP phát triển theo mô hình tăng trưởng mới, tức là mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.

TP.HCM phải trở thành một trung tâm để tạo ra các tác động ngoại vi tích cực với các tỉnh trong vùng, xứng đáng là một cực tăng trưởng của vùng động lực Đông Nam bộ mà Nghị quyết 24 đã khẳng định" - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nêu ý kiến.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nói nếu không tạo ra động lực tăng trưởng mới dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo thì chắc chắn kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp hơn bình quân tăng trưởng của cả nước cũng như các chỉ số khác sẽ thấp hơn.

Dưới góc độ một doanh nghiệp điện tử, TS Bùi Thành Luân, công ty TNHH cơ điện tử Hiệp Phát cho rằng hiện TP chưa ưu tiên thuế cho doanh nghiệp công nghệ, chưa được tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển, chính sách thuế nhập khẩu chưa hợp lý, nhà nước chưa thực sự quan tâm đến phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ…

Ngoài ra, các thủ tục về thanh toán, quyết toán còn nhiêu khê dẫn đến tình trạng “làm khoa học không mệt nhưng làm thủ tục quyết toán rất mệt”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm