Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, năm 2011, ông Nguyễn Đen đã có hành vi cản trở việc sử dụng đất của bà Mai (cùng ngụ huyện Hàm Tân, Bình Thuận). Do ông Đen không chấp hành nên đã bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Tân cưỡng chế.
Đến tháng 11-2018, bà Nguyễn Thị Lễ (con ông Đen) lại tự ý chiếm đất để xây dựng nhà thì bị phát hiện và bị UBND huyện Hàm Tân xử phạt hành chính theo Quyết định số 16/QĐ-XPVPHC ngày 15-2-2019. Tuy nhiên, bà Lễ không những không chấp hành mà còn tiếp tục thi công trên phần đất đã chiếm.
Sau khi bà Mai gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an huyện Hàm Tân, lãnh đạo Cơ quan CSĐT của huyện này cho biết tuy bà Lễ đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi chiếm đất nhưng trên thực tế hành vi đó chưa chấm dứt và vẫn đang tiếp diễn, không phải là phát sinh hành vi vi phạm mới.
Cạnh đó, trong trường hợp sau khi nhận quyết định xử phạt hành chính, bà Lễ tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đất ở một thửa đất khác hoặc sau khi bị cưỡng chế, bà Lễ tiếp tục chiếm đất ở thửa đó hay thửa bất kỳ thì mới có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 BLHS.
Bà Lễ đã xây dựng xong căn nhà trên đất của hàng xóm và dọn vào ở trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Ảnh: Phương Nam
Về kết luận của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi lấn chiếm đất của bà Lễ đã bị xử phạt VPHC từ ngày 15-2-2019. Đương nhiên, trong quyết định xử phạt sẽ kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả và phải chấm dứt hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm lại tiếp tục thực hiện hành vi VPHC là xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng của người khác (đến nay đã xây xong nhà). Vì thế lập luận của Cơ quan CSĐT công an huyện Hàm Tân là chưa thuyết phục.
Bởi kể từ sau khi kết thúc hành vi vi phạm bị xử lý hành chính, người vi phạm không chấm dứt mà tiếp tục hành vi khác là xây dựng đến khi hoàn thiện nhà là hành vi VPHC mới (cùng tính chất với hành vi vi phạm cũ), đây có thể xem là vi phạm mới sau khi bị xử phạt.
Xét về tình hoặc lý thì người vi phạm đều sai, cố ý thực hiện hành vi sai phạm sau khi đã được nhắc nhở, cảnh cáo hoặc thậm chí là xử phạt. Đây là hành vi cố ý và phải được xử lý ngay lập tức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm, bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật.
“Cá nhân tôi cho rằng đã đủ yếu tố để xử lý hành vi của bà Lễ về tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 BLHS để bảo đảm pháp chế cũng như bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân” - LS Hồng nói.
Đồng tình, ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định, theo Điều 228 BLHS, hành vi lấn chiếm đất trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai được hiểu là hành vi lấn chiếm đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc các cá nhân khác.
Hành vi này cấu thành tội phạm trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm. “Trong trường hợp này, bà Lễ đã có hành vi lấn chiếm đất thuộc quyền quản lý của bà Mai, đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục vi phạm nên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm tại Điều 228 BLHS” - ThS Thảo nêu quan điểm.