Có dư địa giảm lãi suất cho vay mua nhà?

(PLO)- Với những người lao động có thu nhập thấp, hiện lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội ở mức 7,5%/năm vẫn là quá cao, làm tăng gánh nặng chi phí lãi vay khi muốn an cư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Nghị quyết số 82 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho nhà ở xã hội (NOXH).

Từ đó khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân.

Rất ít người mua NOXH được vay gói 120.000 tỉ đồng

Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng hồi tháng 5, Bộ Xây dựng cho biết đến nay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng mới giải ngân được khoảng 640 tỉ đồng cho 8 dự án, tương ứng tỉ lệ giải ngân mới đạt gần 0,54% quy mô gói.

Tại Nghị quyết 33 ngày 11-3-2023, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì triển khai Chương trình khoảng 120.000 tỉ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân… được vay với lãi suất ưu đãi. Mức lãi áp dụng có thể thấp hơn 1,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.

Từ khi triển khai chương trình đến nay, NHNN đã hai lần điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm dần. Lần giảm đầu tiên là từ 1-7-2023, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của chủ đầu tư từ 8,5%/năm xuống 8,2%/năm và người mua nhà giảm từ 8%/năm xuống 7,7%/năm.

Sang đầu năm nay, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm thêm một lần nữa, đưa lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà lần lượt ở mức 8%/năm và 7,5%/năm. Về thời gian hỗ trợ, đối với chủ đầu tư là 3 năm còn người mua nhà là 5 năm từ ngày giải ngân.

Còn nhớ, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ngày 16-3, Bộ Xây dựng đã đề xuất NHNN nghiên cứu, xem xét hạ lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng với NOXH.

Từ góc nhìn của người mua nhà, chị Mai Lan, công nhân may chia sẻ: "Nếu chịu khó “cày” hết sức thì mức thu nhập của vợ chồng tôi cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy nếu phải gánh thêm lãi suất cho vay 7,5%/năm vẫn là quá sức."

Theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để được mua NOXH là thu nhập của người mua không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, điều đáng nói là có những trường hợp bị loại khỏi danh sách, không đủ điều kiện đăng ký mua NOXH chỉ có phần thu hập đóng thuế rất thấp, dưới 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home - Chuyên gia nhà ở xã hội

Người mua nhà ở xã hội ngóng lãi suất cho vay giảm
Người mua nhà ở xã hội ngóng lãi suất cho vay giảm. Ảnh minh họa

Liệu có dư địa giảm lãi suất gói 120 ngàn tỉ?

Nói về câu chuyện lãi suất cho vay của gói 120.000 tỉ đồng, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: "Mối quan tâm lớn nhất của người đi vay là lãi suất.

Thực tế cho thấy hiện nay số lượng khách hàng cá nhân được giải ngân theo gói vay chiếm tỉ trọng rất thấp. Bởi lẽ, họ thấy mức lãi suất cho vay hiện nay với người mua NOXH vẫn còn cao hơn so với lãi suất của ngân hàng Chính sách xã hội.

Do đó, họ vẫn trông chờ để được vay tại ngân hàng Chính sách xã hội. Chỉ khi nào họ không có cơ hội để vay theo mức lãi suất ưu đãi 4,8% của ngân hàng chính sách thì mới tính đến gói 120.000 tỉ đồng”.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home, đánh giá mức lãi suất cho vay tại ngân hàng chính sách đúng là phù hợp với người có thu nhập thấp. Thực tế là rất ít người tiếp cận được gói vay này.

photo_6289295619021454562_y-nguyetnhi.jpg
Các ngân hàng cũng cần có nguồn lực mới tính toán được giải pháp hạ lãi suất. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

"Nhiều người nhận được câu trả lời là tạm thời hết nguồn lực để giải ngân. Trong khi đó, lãi suất của gói 120.000 tỉ đồng có thấp hơn mặt bằng chung nhưng mức chênh lệch không đáng kể. Do đó, ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình này cần xem xét giảm lãi suất thấp hơn nữa để cả doanh nghiệp và người mua dễ tiếp cận hơn" - ông Nam đề xuất.

Đánh giá về khả năng giảm lãi suất cho vay của gói tín dụng này, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết là ngân hàng rất đồng tình việc chia sẻ với khách hàng.

"Tuy nhiên, phải tính toán rằng nguồn lực từ đâu? Tính đến nay đã gần nửa năm 2024 nhưng tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại nói chung là khá chậm. Hơn nữa, những món nợ phải cơ cấu là những khoản nợ chưa thu được lãi cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tài chính của các ngân hàng trong năm nay.

Trong khi đó, các chương trình tín dụng dành cho nhóm khách hàng ưu tiên thì tự thân các ngân hàng thương mại đã chủ động triển khai, không chờ đợi đến khi có chỉ đạo từ phía NHNN" - bà Bình nói.

Đối với gói 120.000 tỉ đồng, Agribank đang bàn bạc, thảo luận để xem xét giảm thêm 1%/năm đối với người mua nhà, tức là đưa lãi suất cho vay với khách hàng mua NOXH trong thời gian tới từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm. Tính theo mức lãi suất này, nhà băng này đã giảm tới 3%/năm lãi suất cho vay đối với người mua NOXH so với mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn.

Bà Bình nhìn nhận: "Nhìn chung, ngân hàng thương mại nhà nước chỉ có thể giảm lãi suất đến một chừng mực nào đó chứ không thể ngang với mức của ngân hàng chính sách được."

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước khác nêu quan điểm: Gói hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ với quy mô lên đến 40.000 tỉ đồng vẫn còn gần như nguyên vẹn. Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1-1,5% bù lãi suất đối với khách hàng cá nhân khi vay mua NOXH tại các ngân hàng thương mại.

"Giả thiết, nếu được cấp bù lãi suất ở mức 1% thì mỗi năm là 1.200 tỉ đồng, nếu bù 1,5% là mỗi năm là 1.800 tỉ đồng. Điều này không chỉ giúp người mua nhà NOXH được hưởng lãi suất cho vay tốt hơn mà còn giúp gói tín dụng này được giải ngân tích cực hơn nữa" - vị lãnh đạo này cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm