Chủ tịch Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai: Cần có giám sát tối cao về nhà ở xã hội

(PLO)- Chủ tịch Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đồng tình với việc cần thiết có một chuyên đề giám sát tối cao về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó trọng tâm là nhà ở xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đồng Nai là địa phương tập trung khá đông công nhân, người lao động từ các tỉnh, thành về sinh sống và làm việc với khoảng 1,3 triệu người. Một trong những mối quan tâm của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong những năm qua là chăm lo, xây dựng nhà ở xã hội cho những đối tượng này để họ có thể “an cư lạc nghiệp”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Số lượng nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đã có những trao đổi bên hành lang Quốc hội về tình hình thực tế triển khai đề án này ở địa phương.

Bà Ý cho biết chính quyền tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trên địa bàn. Đáng chú ý, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết và HĐND tỉnh cũng có nghị quyết về nội dung này.

“Trong chỉ tiêu thực hiện nghị quyết của năm, tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra chỉ tiêu về xây dựng nhà ở xã hội. Đến thời điểm này, các dự án đang được triển khai thuận lợi” – đại biểu Như Ý nói.

Chủ tịch Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai: Cần có giám sát tối cao về nhà ở xã hội
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, theo bà Như Ý, Đồng Nai hiện có khoảng 1,3 triệu lao động nên so với nhu cầu thực tế thì số lượng nhà ở xã hội mà tỉnh có thể đáp ứng là chưa đạt.

“Hiện có một dự án nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập đã được triển khai và được khởi công ở Đồng Nai” – nữ đại biểu nói thêm và nhìn nhận đây là chủ trương lớn từ Trung ương, địa phương đã triển khai rất kịp thời.

Nói về thách thức trong việc phát triển nhà ở tại địa phương, bà Như Ý cho biết Đồng Nai là địa phương phát triển công nghiệp rất sớm với 32 khu công nghiệp nằm rải rác từ TP Biên Hòa đến các huyện. Do vậy, khó khăn nhất trong xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là tìm vị trí thuận lợi để xây dựng, tìm kiếm nhà đầu tư cũng như nguồn kinh phí xây dựng…

“Đây đều là những yếu tố khách quan tác động dẫn đến những khó khăn trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thời gian qua” – bà Ý chia sẻ.

Theo Chủ tịch Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, những khó khăn này đang từng bước được gỡ vướng. Do vậy, bà kỳ vọng những mục tiêu tỉnh đề ra sẽ đạt được trong thời gian tới và người dân sẽ được thụ hưởng thành quả từ những dự án được triển khai kịp thời đó.

Đồng Nai luôn tạo điều kiện sống tốt nhất cho công nhân, người lao động

Còn ở góc độ là tổ chức đại diện cho người lao động, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, bà Như Ý cho biết Liên đoàn Lao động tỉnh đã luôn đồng hành cùng cơ quan chức năng địa phương, thường xuyên nắm bắt nhu cầu, tình hình nhà ở của người lao động, nhất là tại các khu nhà trọ.

Từ đó, hướng tới việc cùng các cấp, các ngành ở địa phương triển khai các dự án nhà ở xã hội kịp thời nhất. “Với mong muốn người lao động có được không gian sống tương đối tươm tất, chúng tôi còn phối hợp cơ quan chức năng, chủ nhà trọ nâng cấp các điều kiện sống cần thiết cho họ” – bà Ý nói.

Trước việc Luật Nhà ở sửa đổi có quy định “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động”, bà Như Ý cho rằng điều này xuất phát từ thực tế cơ quan này đã tham gia và làm chủ đầu tư một số dự án nhà ở xã hội cho người lao động được triển khai ở một số địa phương.

Với Đồng Nai, theo bà Ý, có một số dự án cũng đã nằm trong kế hoạch nên nếu phần chủ động thuộc về Tổng Liên đoàn thì đó sẽ là điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là với công nhân.

Chủ tịch Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng đồng tình với việc cần thiết có một chuyên đề giám sát tối cao về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó trọng tâm là nhà ở xã hội.

“Việc này là cần thiết, để những mục tiêu, ý nghĩa của các công trình nhà ở xã hội thực sự sẽ đến được với người có nhu cầu và đúng đối tượng” – bà Như Ý nhấn mạnh.

Mới đây, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Trong đó nêu rõ các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội phấn đấu đến năm 2030, cả nước xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Đồng thời, hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị.

Chỉ thị cũng yêu cầu phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỉ lệ nhà ở xã hội cho thuê…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm