Có được đòi nợ người thân của bên vay không?

(PLO)- Nếu không có cam kết bảo lãnh, bên cho vay không được đòi nợ người thân của bên vay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chị gái tôi vay tín dụng đen, đến hạn nhưng không đủ khả năng trả nợ nên công ty tài chính liên tục gọi điện cho người thân như tôi để làm phiền, hối thúc. Xin hỏi công ty tài chính có được đòi nợ người thân của bên vay không?

Bạn đọc Hoàng Lê (Bình Phước).

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng. Đồng thời chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, vay tài sản là quan hệ dân sự do thỏa thuận giữa các bên. Khi đến hạn trả, chỉ có bên vay mới có nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, khi đến hạn mà bên vay không trả nợ, nếu không có cam kết bảo lãnh, bên cho vay không được phép đòi tiền, tài sản người thân của bên vay.

Trường hợp nếu bên cho vay có hành vi đe dọa, uy hiếp hoặc dùng vũ lực ép buộc người thân của bên vay trả nợ. Tùy vào mức độ vi phạm, người thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thay thế, sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính. Trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó các công ty tài chính phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định.

Nếu các công ty tài chính dùng điện thoại đòi nợ người thân của bên vay nợ thì công ty đó có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Với cá nhân thì mức phạt tiền sẽ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm