37 tuổi, chị nặng chưa đến 10 kg, mặc một cái váy đỏ, gương mặt linh hoạt. Chị nhờ tôi: “Ở nhà chị đã trang điểm rồi nhưng em có thể giúp chị đánh lại son để đỡ nhợt nhạt hơn không?”. Chị giải thích: “Dù mình không giống mọi người nhưng mình vẫn có quyền lựa chọn mình xinh đẹp nhất có thể. Đầu chị to là vì người chị quá nhỏ chứ chị thông minh cực!”.
Tại sao con lại như thế này?
Chị Hòa kể: “Năm hai tuổi, không hiểu sao đã biết tôi khác với những đứa trẻ khác. Tôi hỏi mẹ: “Sao con không lớn được? Sao con không đi, không đứng được?”. Mẹ mắng: “Ăn nhiều sẽ lớn”. Đến năm tuổi, một người đã nói trước mặt tôi: “Mày bị nhiễm chất độc da cam”. Tôi hỏi bà nội, hỏi mẹ chất độc da cam là gì. Không ai trả lời…”.
Chị Hòa được đặt ở một gian nhà biệt lập. Chị không biết cái hiên nhà là gì và chỉ nằm một chỗ với con mèo. Tuổi thơ chị gói gọn một chỗ như thế, trong sự dằn vặt và câu hỏi rất lớn: Tại sao mình không như những đứa trẻ khác?
“Rằm tháng 8 năm tôi tám tuổi, tôi rất thèm đi đón Trung thu như các em trong nhà. Tôi bảo mẹ bế tôi ra đường ngắm trăng và đón rằm. Mẹ gạt đi. Tôi lại xin bà không cho ra đường thì hãy cho tôi ra hiên để ngắm trăng. Nhưng đúng hôm đó thì trời mưa, trăng cũng không có mà ngắm. Tôi bắt đầu tin rằng: Đến chị Hằng còn kỳ thị và không muốn chơi với tôi thì chẳng ai chơi với tôi nữa” - chị Hòa nhớ lại.
Đến năm 19 tuổi, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, chị phát hiện ra mình biết đọc. “Tôi cứ âm thầm đọc và biết rất nhiều thứ qua những trang sách. Tôi còn nghe đài và cập nhật mọi thứ của thế giới mà tôi không bước chân ra ngoài chứng kiến được” - chị Hòa cho biết.
Khi chị Hòa ngoài 20 tuổi thì có một người thương binh già trong làng đến nói sẽ dạy chị học. “Ông ấy nói chuyện với tôi về phim Tây du ký. Ông hỏi tôi có biết Ngộ Không xin đi học như thế nào không. Tôi kể rành mạch và lý giải việc sư phụ ra thách đố để dạy Ngộ Không. Ông ấy bảo muốn người khác dạy học cho mình thì tự mình phải vượt qua sự ngu dốt. Ông ấy giao cho tôi quyển vở, cây bút, bảo tôi tập viết rồi đi về. Tôi xoay ra vẽ chữ, vẽ ngược vẽ xuôi nó vẫn không ra hình chữ. Tôi chỉ muốn bẻ bút và xé hết giấy nhưng cuối cùng tôi vẫn làm được sau một tuần mày mò với con chữ. Khi ông quay lại kiểm tra thì tôi đã “vẽ” được chữ, các chữ dài ngắn rất buồn cười. Ông bảo: “Viết thế là khá rồi!”. Đến bây giờ chị Hòa đã có thể làm thơ, viết truyện ngắn và chơi Facebook.
Chị Hòa nằm viết văn, làm thơ. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Tình yêu và ước mơ
Khi chị Hòa bước vào thế giới ảo qua Facebook, rất nhiều người mến mộ chị nhưng chị không cho mọi người biết con người thật của mình. “Khi họ động viên tôi để ảnh thật, tôi up ảnh thật của mình làm ảnh đại diện thì có người vào comment: “Mày ăn lắm dửng mỡ hay sao mà đưa ảnh này lên để câu like?”. Tôi đã hạ luôn ảnh xuống và đau đớn về cách ứng xử ấy. Nhưng nhiều người sau đó động viên tôi và tôi hiểu được rằng: Xã hội không phải ai cũng thông cảm cho mình, mình không để ý đến những điều như vậy nữa mà sống tốt đẹp cho chính mình…”.
Chị Hòa đã được một nhà hảo tâm tặng chiếc máy tính. Chị mày mò vào mạng, tìm hiểu được cách làm hoa giấy và đồ lưu niệm, bán online qua tài khoản Facebook: Gấu Bông Nguyễn.
Chị Hòa trải lòng: “Ban đầu tôi làm, mọi người tưởng tôi đi mua hoa giấy của nơi khác rồi bán. Nhưng thực chất tôi tự làm. Tôi phải tự quay clip để giới thiệu trên mạng nên mọi người tin và đặt hàng ủng hộ. Tôi mong mình là một chủ doanh nghiệp, đem lại công ăn việc làm cho người khuyết tật như tôi”.
33 tuổi mới được là công dân
Năm 33 tuổi, chị Hòa xin đi làm CMND. Để làm CMND cho chị Hòa, gia đình phải đưa chị đến công an huyện. Chị Hòa yếu, không đi được xe máy đoạn đường xa nên gia đình đưa chị đi bằng ô tô. Công an huyện Kiến Thụy phải tổ chức buổi làm CMND riêng cho chị Hòa. Từ việc chụp ảnh, lấy dấu vân tay cho chị đều khó khăn vì chị chỉ nằm, không ngồi được. Tay chị bị teo, xác định dấu vân tay rất khó. Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã phải chỉ đạo Công an huyện Kiến Thụy cố gắng hết sức để làm CMND cho chị Hòa. Facebook mang tên Gấu Bông Nguyễn giới thiệu rất nhiều sản phẩm của chị Hòa bao gồm: Hoa giấy, móc chìa khóa. Chị cũng giới thiệu những truyện ngắn, những bài thơ là tâm sự của chị gây ám ảnh cho rất nhiều người vì câu chuyện đặc biệt của chị. _____________________________ Chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, cho biết: “Chị Hòa có liên hệ với Hội Phụ nữ để hội giúp chị ấy tìm người cho cơ sở làm hoa giấy của chị ấy nhưng việc này rất khó. Hội Phụ nữ cũng không giúp được chị ấy nhiều và cũng biết hoàn cảnh gia đình chị Hòa rất khó khăn. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng có thăm hỏi, động viên gia đình”. |