LTS: Họ là những người phụ nữ độc lập: Độc lập trong cách nghĩ, cách khởi nghiệp, cách sống cống hiến cho xã hội. Trong xây dựng tương lai chính mình, trong gìn giữ gia đình, nuôi dạy con cái, họ đều mạnh mẽ và tự tin… Pháp Luật TP.HCM giới thiệu đến bạn đọc những người phụ nữ như thế.
Những ngày tháng 2, một phụ nữ nhỏ bé dù đi lại khó khăn âm thầm theo chân đoàn khảo sát các công trình công cộng như nhà vệ sinh, trạm xe buýt, thanh chắn barie trên vỉa hè xem có dễ dàng cho người khuyết tật (NKT) tiếp cận hay không. Chị là Lưu Thị Ánh Loan, người lèo lái Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD.
Đứng trên đôi chân của chính mình
Sinh ra ở một làng quê nghèo ở An Giang, chị Loan không may bị sốt bại liệt dẫn đến teo cơ. Nhờ được tài trợ phẫu thuật miễn phí mà chị có thể đi bằng đôi chân của mình dù hơi khó khăn. Nhà có chín anh chị em nhưng ba mẹ vẫn ráng lo cho chị học đến lớp 12, rồi bàn tính cho con nghỉ ở nhà để học may vá, phụ việc nhà vì khuyết tật không có chỗ nhận làm.
Nghĩ đến tương lai phụ thuộc, chị Loan nhất quyết không cam chịu, năn nỉ ba mẹ cho lên thành phố ứng thí và đậu vào ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, ròng rã nhiều tháng không nơi nào chịu nhận chị vì xã hội lúc ấy vẫn có cái nhìn khắt khe, chưa có nhiều chính sách tạo cơ hội việc làm cho NKT.
May mắn khi chị Loan biết đến Công ty Đồng Hành làm dịch vụ tổ chức du lịch cho NKT. Khách muốn đi chơi nhưng đường sá, phương tiện đều không thuận lợi cho họ di chuyển nên lượng khách rất hạn chế. Chị và các đồng nghiệp chuyển hướng tư vấn tâm lý cho những người gặp cú sốc khi mất khả năng vận động tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (quận 5) vào năm 2001.
“Nhóm đã làm cầu nối đến bác sĩ và vận động báo đồng hành viết về các hoàn cảnh. Mặc dù bệnh viện rất ủng hộ mô hình nhưng không có kinh phí cho hoạt động này nên lại phải dừng” - chị Loan chia sẻ.
Trăn trở mãi, chị và các đồng nghiệp cùng nhau soạn thư gửi cho các tổ chức hoạt động về quyền NKT và may mắn nhận được sự đồng hành của tổ chức Handicap International nên từ năm 2002 đến 2008, hoạt động tham vấn đồng cảnh được tiếp tục tại BV Điều dưỡng phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp và BV Chợ Rẫy. Điều đặc biệt là dù không có tiền duy trì mô hình ở bệnh viện nhưng sau khi dự án rút đi, chị Loan đã kịp đào tạo hai học trò và hiện họ trở thành biên chế chính thức của hai bệnh viện này.
Chị Liêu Thị Ngọc Hiếu (trái) đã tìm lại sự tự tin và năng động từ khi gặp chị Ánh Loan. Ảnh: H.LAN
Chuyển cơ hội cho người kém may mắn khác
Năm 2005, chị Loan bắt đầu làm việc cho tổ chức DRD. Đây là công việc hoàn toàn mới và có tác động lớn hơn đối với NKT nhằm làm thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực, vận động chính sách tốt hơn cho NKT.
Trong quá trình tư vấn, chị Loan nhận thấy nhiều người có nhu cầu tham vấn đồng cảnh, hỗ trợ kỹ năng sống nhưng dịch vụ thì thiếu. Do vậy, chị đã cùng DRD tìm được tài trợ thực hiện chương trình Sống độc lập để phục vụ chăm sóc và giúp NKT thích ứng với cuộc sống mới. Kiên trì vận động nhiều năm trời, DRD cũng vận động được nhiều cơ quan chức năng lập nhiều tuyến xe buýt tiếp cận cho NKT như xe sàn thấp, xe có thang nâng, nhiều đoạn đường mới có đường dốc cho xe lăn lên, thậm chí gờ hướng dẫn cho người khiếm thị.
Năm 2011, chị Loan nhận được học bổng của quỹ Ford để đeo đuổi chương trình thạc sĩ công tác xã hội tại ĐH Washington, Hoa Kỳ. Năm 2013, chị trở về nước tiếp tục tham gia điều phối DRD. “Tôi muốn làm nhiều hơn cho NKT, chuyển những cơ hội mà tôi nhận được cho những người kém may mắn khác. Tôi hy vọng người thân và NKT sẽ không còn những khổ sở, buồn lo mà có thể vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn” - chị Loan bộc bạch.
Năm 17 tuổi, tôi liệt hai chân do gặp bệnh lý về cột sống. Khoảng năm 2004, một ngày tôi đang ủ rũ ở Trung tâm Chỉnh hình phục hồi chức năng thì Loan đến làm quen. Thấy Loan cũng khuyết tật mà sao tự tin, năng động quá nên tôi tò mò. Loan mời tôi đi thăm một số bệnh nhân cũng như tôi. Lạ là ai gặp tôi cũng rất vui vẻ, thoải mái. Từ đó, tôi nghĩ phải tiếp tục học để có chuyên môn đi làm, không phải lệ thuộc. Tình cờ DRD tuyển người, thấy phù hợp nên tôi tham gia. Rồi tôi quen bạn trai là người hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình cấm cản 10 năm trời anh vẫn cố theo đuổi. Loan là người đã ở bên cạnh và ủng hộ tôi những năm tháng đó. Trước khi gặp DRD, ai bảo sao tôi nghe vậy vì nghĩ mình thua kém người ta nhưng DRD đã làm thay đổi nhận thức của tôi, giúp tôi mạnh mẽ dần lên. Tôi tin NKT nếu được trao cơ hội sẽ thay đổi được nếu thực sự muốn thay đổi. Tôi tự tin thuyết phục người nhà để giữ được hạnh phúc cho mình nên cuối cùng chúng tôi cũng về được một nhà và hiện có một cháu gái đã lên tám. Chị LIÊU THỊ NGỌC HIẾU, điều phối viên __________________________________ Chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD) được thành lập từ năm 2005, hoạt động dưới sự tài trợ của Quỹ Ford Việt Nam và trực thuộc khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM. Giám đốc DRD là chị Võ Thị Hoàng Yến. Hiện chị Yến đang học ở nước ngoài nên chị Ánh Loan đang là giám đốc. Hiện nay DRD trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). |