Ngày 7-12, “Mô hình hỗ trợ thanh niên khuyết tật dựa vào cộng đồng” của DRD đã được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) vinh danh là “Mô hình phát triển bền vững tiêu biểu năm 2016” trong sự kiện “Gặp gỡ 2016 vì hợp tác và phát triển” tại Hà Nội.
Mô hình này của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã tạo ra một môi trường học tập và làm việc năng động cho gần 300 thanh niên khuyết tật, giúp các bạn có cơ hội khẳng định và phát huy năng lực của mình.
Trả ơn bằng cách lập app tìm đường, tìm luật…
Năm vừa lên ba tuổi, anh Nguyễn Minh Hảo (quê ấp Xẻo Vẹt, huyện An Biên, Kiên Giang, hiện cư ngụ quận 9, TP.HCM) bị liệt hẳn hai chân sau một cơn sốt bại liệt. Ở vùng quê nghèo thời đó, khái niệm đi học quá xa vời với một người khuyết tật như anh. Rồi anh quyết tâm học lên ĐH, trở thành sinh viên của Trường ĐH Bưu chính-Viễn thông. Vì sợ khó theo hết chương trình học, anh lên mạng dò tìm học bổng.
Cơ duyên anh đến với DRD cũng từ đó. Anh được nhận học bổng “Người bạn đồng hành” của tổ chức này với mức học bổng là 1 triệu đồng/tháng. Cũng ở DRD, anh được cấp dụng cụ học tập, tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng mềm. Khi chưa tốt nghiệp ĐH, anh đã được nhận vào làm việc ở một công ty nước ngoài với mức thu nhập khá ổn định.
Anh Nguyễn Minh Hảo (ngồi xe lăn) trong một lần cùng nhân viên DRD đi khảo sát mức độ tiếp cận của người khuyết tật. Ảnh: TL
Đến tháng 12-2015, anh muốn quay trở về cống hiến cho DRD, nơi đã giúp anh phát huy hết khả năng của mình, nghiên cứu ra những mô hình để hỗ trợ cho người khuyết tật. Hiện anh là giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Đột Phá, chuyên nghiên cứu về các phần mềm hỗ trợ cho người khuyết tật (như các website cho người khiếm thị, các app trên thiết bị di động giúp người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn đến các địa điểm mà họ muốn đến...).
“Mình cùng các bạn đang ấp ủ cho ra đời hai cái app trên điện thoại di động để hỗ trợ cho người khuyết tật. Một là D-MAP, chương trình hỗ trợ việc tìm đường cho người khuyết tật; hai là D-LUẬT với mong muốn cung cấp những kiến thức về luật cho người khuyết tật để họ hiểu hơn về quyền lợi của mình. Tụi mình cũng đang cho nghiên cứu về một cái app mới nhằm giới thiệu việc làm cho người đồng cảnh nữa. Mình lập những cái app này nhằm trả ơn những người đã tiếp sức và giúp các bạn khuyết tật độc lập, tự chủ hơn trong cuộc sống của mình” - anh Hảo cho biết.
Chỉ dạy cả cách đi chợ
Vốn sinh ra là một người khỏe mạnh nhưng từ lúc lên năm tuổi, cơ thể chị Phan Thị Rát (quê ở Ninh Thuận) dần yếu đi, tay chân teo tóp lại, không thể cử động được nữa. Chị gắng học và thi đậu vào Trường ĐH Mở TP.HCM. Suốt một năm đầu học ĐH, chị vẫn chưa thoát khỏi cảm giác tự ti, nhút nhát về hình dáng của mình.
Cho đến khi nhận học bổng của DRD, được DRD tạo cơ hội tham gia các lớp học để phát triển bản thân, chị Rát đã thành con người khác.
Trước đây, việc đơn giản nhất là đi chợ để mua thực phẩm, chị Rát cũng không dám. DRD cử đến chị một tình nguyện viên hỗ trợ cá nhân để tập chị làm quen với việc tự tin hỏi giá cả và mua thực phẩm. Nhiều hoạt động khác chị cũng nhận được sự tư vấn và hỗ trợ tương tự. Chị Rát ngày càng năng động, tham gia vào nhiều hoạt động xã hội. “DRD còn giúp tôi tiếp cận với nhiều hội thảo ở nước ngoài. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể tham gia được nhiều hoạt động như vậy. Ở đó tôi được lắng nghe, được chia sẻ và có cơ hội thử sức mình trong nhiều vai trò, vị trí khác nhau” - chị Rát nói.
Chị Rát đã nhận và thấy mình cần phải cho đi. Đến tháng 9-2015, chị đã cùng người bạn của mình làm một dự án giúp sinh viên khuyết tật làm chủ cuộc sống của mình. Sinh viên khuyết tật tham gia vào dự án này sẽ được học tập, hoàn thiện các kỹ năng nhỏ nhất như việc viết email, cách giao tiếp; được cung cấp thông tin về nhà trọ, đường đi hay tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ để các bạn trong nhóm có thể chia sẻ với nhau về mọi thứ…
"Mô hình hỗ trợ thanh niên khuyết tật dựa vào cộng đồng" tuyển chọn những người khuyết tật có quyết tâm thay đổi cuộc đời, yêu cầu lên kế hoạch cá nhân cụ thể theo từng mốc thời gian. Tiếp đến, ban tổ chức sẽ chọn những người đồng hành (tình nguyện viên hỗ trợ người khuyết tật được tuyển chọn khắt khe từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội) để hỗ trợ, tư vấn, thúc đẩy người khuyết tật trong quá trình học tập, làm việc. Sau đó, người đồng hành và người khuyết tật sẽ cùng lên lịch gặp gỡ để trao đổi về tiến độ thực hiện kế hoạch, những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện kế hoạch cá nhân…
Chị Phan Thị Rát ( người ngồi xe lăn ở góc trái ảnh) trong một cuộc hội thảo do DRD tổ chức. Ảnh: TL Hiện DRD cũng đã chuyển giao mô hình này cho Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và trường ĐH Sư phạm để tiếp tục hỗ trợ 60 sinh viên khuyết tật đang học tại trường. ___________________________ Trong số những thanh niên khuyết tật tham gia vào dự án, có chín bạn đã đứng ra thành lập Doanh nghiệp xã hội giải pháp công nghệ Đột Phá, chuyên viết các ứng dụng về công nghệ thông tin cho người khuyết tật. |