Tổng cục Đường bộ chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý thu phí sau 10 ngày kiểm tra giám sát tại hai trạm này, theo báo Giao Thông.
Đối với trạm Cam Thịnh, kết quả kiểm tra, giám sát sau 10 ngày (từ ngày 11 đến 21-9) cho thấy doanh thu giá sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát là hơn 6,1 tỉ đồng, bình quân trên 615 triệu đồng/ngày, giảm khoảng 12 triệu đồng so với mức bình quân ngày của sáu tháng trước đó (trên 628 triệu đồng).
Tổng cục Đường bộ cũng chỉ ra những tồn tại trong quản lý thu phí đối với trạm thu phí này. Đó là trạm chưa lắp đặt thiết bị thu phí không dừng theo quy định. Các dữ liệu thu phí được lưu trữ trên ổ cứng có dung lượng 27,2 TB chưa đáp ứng được yêu cầu về lưu trữ dữ liệu theo quy định tại Thông tư số 49/2016 của Bộ GTVT. Nhà đầu tư cũng chưa lắp đặt bảng điện tử công khai các thông tin tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 49.
Tương tự, kết quả kiểm tra, giám sát sau 10 ngày (từ 14 giờ ngày 14 đến 14 giờ ngày 24-9) tại trạm thu phí Km 2079+535 thuộc dự án mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp cho thấy có nhiều bất cập. Doanh thu giá sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát là hơn 4,4 tỉ đồng, bình quân trên 445 triệu đồng/ngày, giảm trên 23 triệu đồng so với mức bình quân ngày của sáu tháng trước đó (gần 467 triệu đồng)...
Căn cứ kết quả giám sát, Tổng cục Đường bộ yêu cầu doanh nghiệp dự án nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ đầy đủ dữ liệu thu phí (hình ảnh, video liên tục và các dữ liệu khác) theo quy định tại Thông tư số 49 của Bộ GTVT. Đồng thời, lắp đặt bảng điện tử công khai các thông tin tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định. Nhà đầu tư hai dự án nêu trên ký hợp đồng và lắp đặt thiết bị để thực hiện làn thu phí không dừng theo lộ trình của Bộ GTVT.