Cố GS-TS Trần Văn Khê và diễn giả Hồ Nhựt Quang tại chương trình Trang phục Nam Bộ qua thi ca.
Chúng tôi kết nối với diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ, người từng được cố giáo sư nhận làm môn sinh và truyền lửa tình yêu văn hóa cổ truyền để nghe anh chia sẻ về khoảng thời gian làm việc cùng thầy.
. PV: Là một người được đào tạo về du lịch, nhưng anh lại có niềm đam mê văn hóa cổ truyền dân tộc, và được cố GS-TS Trần Văn Khê nhận làm học trò, anh có thể cho biết duyên cớ nào đưa anh gặp thầy?
+ Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang: Tôi may mắn được gặp cố GS-TS Trần Văn Khê vào năm 1995, lúc thầy về Việt Nam và có buổi nói chuyện với sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM về chủ đề “Nghệ thuật khóc và cười trên sân khấu”. Sinh viên chúng tôi rất thích thú nghe thầy giảng giải. Lúc thầy bước ra khỏi giảng đường, tôi đã đến hỏi thầy về phương pháp nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam và làm sao để có thể có được một trí nhớ tốt như thầy. Thầy đã tận tình chỉ bảo và giúp tôi có được những bài học bổ ích.
Sau khi biết thầy về Việt Nam từ năm 2006, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện về âm nhạc và văn hóa tại nhà, tôi sắp xếp công việc để có thể tham dự nhằm nâng cao kiến thức và bước vào con đường nghiên cứu văn hóa.
Bắt đầu từ ngày 12-9-2014, CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ chính thức được ra đời từ sự hướng dẫn tận tình của thầy. Tôi được thầy tin tưởng giao vai trò chủ nhiệm CLB và mang những kiến thức mình học được giới thiệu trước công chúng.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang hướng dẫn các em học sinh trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8, TP.HCM) cách bài trí đồ cúng trên một bàn thờ.
. Thọ giáo một người thầy 93 tuổi vẫn say sưa với văn hóa và âm nhạc dân tộc, chúng tôi nghĩ rằng anh sẽ có rất nhiều kỷ niệm đẹp về tình thầy trò. Anh có thể chia sẻ về điều đó?
+ Lúc thầy nằm viện vì bệnh nặng cũng là lúc tôi sắp làm chương trình đầu tiên. Thầy đề nghị tôi đưa người quay phim vào phòng bệnh để quay đoạn phim thầy giới thiệu chiếu lên màn hình cho khách mời xem, tuyệt đối không được hủy chương trình.
Những ngày cuối đời, cũng tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, thầy đã nói về hát bội cho tôi nghe khi đang phải thở oxy. Mặc dù tôi khuyên thầy cố gắng tịnh dưỡng nhưng thầy ngắt lời tôi và nói: “Thầy thương con vì những kiến thức con nghiên cứu và chia sẻ cho mọi người là những kiến thức rất quý về văn hóa truyền thống Việt Nam. Con làm không vì danh lợi mà xuất phát từ tình cảm tha thiết với quê hương nên thầy rất thương con!”.
. Sau ngày GS Khê qua đời, CLB của anh hoạt động ra sao, có gặp những khó khăn gì?
+ Chúng tôi vẫn nhớ lời dạy của thầy mà tiếp tục nghiên cứu và thực hiện vinh danh văn hóa tại nhiều trường học THPT, trường ĐH, doanh nghiệp, bảo tàng, khu di tích… và được công chúng nhiệt liệt đón nhận, nhất là các bạn trẻ.
Khó khăn thì rất nhiều nhưng chúng tôi tâm niệm thầy của chúng tôi một đời đấu tranh với nỗi buồn tuổi thơ bất hạnh mồ côi, tuổi già đấu tranh với bệnh tật mà vẫn miệt mài và vui với công tác nghiên cứu tôn vinh văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam thì khó khăn của chúng tôi cũng chỉ là hạt muối bỏ biển mà thôi.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang cùng các em học sinh trường THPT Trần Quang Khải (quận 11, TP.HCM) trình diễn một tiết mục sân khấu hóa lịch sử.
. Tới đây là ngày giỗ của thầy, CLB của anh có tổ chức chương trình gì không?
+ Năm nào cũng vậy, đúng ngày giỗ của thầy (24-6), chúng tôi đều đưa các thành viên CLB và những người yêu kính thầy về Vĩnh Kim (Tiền Giang), nơi thầy được sinh ra để tham dự ngày giỗ.
Tại đây, chương trình được tổ chức không đơn thuần là lễ giỗ mà còn là ngày hội văn hóa với đàn ca tài tử, thuyết trình văn hóa hoặc biểu diễn các tiết mục sân khấu hóa lịch sử. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức lễ kỷ niệm thầy tại TP.HCM để những ai không có thời gian về Vĩnh Kim có thể tham dự.
. Xin trân trọng cảm ơn anh. Chúc anh cùng các thành viên CLB luôn mạnh khỏe và thành công hơn nữa.