Xu thế này sẽ mở ra viễn cảnh thuận lợi cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thử thách dưới tác động của nền kinh tế trì trệ, biến đổi khí hậu và nguồn nhân lực nông nghiệp ngày càng giảm sút.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho biết cơ hội với Nhật, Hà Lan - những quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới là tốt nhất đối với Việt Nam. Như Nhật Bản tuyên bố sẽ không trợ cấp cho ngành trồng lúa gạo nữa, DN nước này sẽ chuyển sang nhập khẩu là chính. Các DN Nhật đang tiếp cận với Việt Nam để có thể trồng lúa tại đây với những giống lúa mang từ Nhật sang. Chưa kể các giống hoa, cây trồng đặc sản chất lượng của Nhật sẽ có mặt tại Việt Nam. Công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản của Nhật, Hà Lan hiện đại sẽ giúp DN Việt Nam được tiếp cận, học hỏi hưởng lợi rất nhiều.
Theo GS Xuân, Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nhiều thách thức nhưng càng phát triển thì Việt Nam cần hội nhập đổi mới, tránh nguy cơ suy thoái. Trong 12 nước tham gia vòng đàm phán TPP thì chỉ có mình Việt Nam là nước nông nghiệp và có nền nông nghiệp thủ công nhất. Đây là thiệt thòi nhưng cũng là thế mạnh mà nước ta có thể tận dụng khai thác. Khi hội nhập cùng các DN nước ngoài, hãy bỏ ý nghĩ cho rằng họ đến đây cạnh tranh với DN nội để thu lợi. Đó chỉ là cái nhìn ngắn hạn, nếu nhìn dài hạn, rộng ra thì cái ta cần và phải nỗ lực để học và có được chính là công nghệ cao, là kỹ năng, chiến thuật quản trị, quản lý, cách thức quan hệ bạn hàng của các DN ngoại. Vào TPP, DN ngoại sẽ dạy cho DN nước ta khả năng cạnh tranh nhất là sản phẩm nông nghiệp. Nếu các DN ngoài ngành có ý định đổ vốn vào đầu tư nông nghiệp nên biết liên kết với các DN Nhật, Hà Lan có kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao.