Sau thời gian ấm lại hậu Chiến tranh lạnh với các hợp tác về an ninh hạt nhân và quốc phòng, quan hệ Nga và Mỹ bắt đầu có dấu hiệu xấu đi liên quan sự kiện cuộc chiến Nam Ossetia năm 2008.
Quan hệ hai bên càng tệ thêm liên quan đến chuyện Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ phe đòi ly khai ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014. Đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016, quan hệ giữa hai cường quốc càng xấu đi nghiêm trọng khi Washington cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử này.
Nguy cơ xung đột rất lớn
Theo hãng tin AP, hai nước đang trên đường tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh mới, thậm chí nghiêm trọng hơn. Tình trạng xấu đi trong quan hệ Mỹ-Nga gây nguy hiểm cho các hiệp ước kiểm soát vũ khí hai bên và tăng nguy cơ xung đột giữa hai nước, kể cả xung đột hạt nhân. Nguy cơ xung đột hai bên thời gian gần đây được đề cập nhiều, đặc biệt sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga năm 1987.
Các chuyên gia, quan chức hai nước và ở một số nước đồng minh đều kêu gọi Mỹ và Nga tái gắn kết, đối thoại nhiều hơn để giảm rủi ro hiểu lầm lẫn nhau dẫn đến xung đột.
Theo tướng lục quân Mỹ Curtis Scaparrotti - Tư lệnh tối cao Lực lượng đồng minh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, vào thời Chiến tranh lạnh hai bên hiểu được các tín hiệu của nhau nhưng giờ thì không chắc. Tướng Scaparrotti cho biết ông mới chỉ gặp Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov hai lần và điện đàm một vài lần.
Dù đồng ý phương Tây phải đối đầu với Nga khi cần thiết nhưng đô đốc về hưu James Stavridis (Mỹ), từng giữ vị trí tư lệnh tối cao Lực lượng đồng minh NATO tại châu Âu thời gian 2009-2013, cũng kêu gọi tăng cường liên lạc giữa hai nước. Theo ông, “không có sự gắn kết vững vàng ở mức độ chính trị giữa các cơ quan quốc phòng thì nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới tăng nhanh”.
Chưa ai nói chắc được khả năng đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra thế nào. Ảnh: ROLLING STONE
Báo cáo Mueller có giúp cải thiện quan hệ?
Phần mình, Bộ Ngoại giao Nga nói sẵn sàng đối thoại với Mỹ để giảm căng thẳng nhưng khả năng đối thoại sẽ diễn ra như thế nào thì chưa ai nói chắc được.
Sau 22 tháng điều tra, báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller trình lên Quốc hội Mỹ kết luận êkíp tranh cử của ông Donald Trump không thông đồng với Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Nói với kênh CNBC ngày 24-4, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nga VTB Andrey Kostin cho rằng dù lo ngại “đấu đá nội bộ chính trị” ở Mỹ có thể cản trở quan hệ nhưng ông hy vọng báo cáo của ông Mueller sẽ giúp cải thiện quan hệ hai nước. Ông Kostin tin báo cáo này sẽ giúp các chính trị gia Mỹ suy nghĩ lại về thái độ đối với Nga và “có thể chúng tôi sẽ có một khởi đầu mới với Mỹ”.
Không có dấu hiệu gì cho thấy hệ thống chính trị Mỹ, đặc biệt những ai đang muốn ghi điểm ở Quốc hội từ quan điểm ghét Nga, sẵn sàng đối thoại. Thứ trưởng Ngoại giao Nga SERGEI RYABKOV |
Khác với sự lạc quan của ông Kostin, trao đổi với hãng tin TASS hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói Moscow không ảo tưởng quan hệ với Washington sẽ được cải thiện sau báo cáo của công tố viên Mueller. Theo ông Ryabkov, từ việc Mỹ cố tình lan truyền cáo buộc chống lại Nga trong công chúng Mỹ dù không có bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị Mỹ nhất định phản đối các nước theo đuổi chính sách độc lập.
Theo ông Andrey Sushentsov, Giám đốc chương trình nghiên cứu quốc tế tại Viện Quan hệ quốc tế nhà nước Nga, thời gian tới Mỹ sẽ vẫn là một đối tác khó thương lượng. Ông Sushentsov chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ trong các cuộc xung đột quốc tế, như ở Nam Caucasus, Ukraine, Trung Đông.
Theo ông Sushentsov, suy nghĩ rằng ông Trump có quan điểm thân Nga là một ảo tưởng. Thực ra ông Trump sẽ không được tự do hành động với Nga và bất kỳ bước cải thiện nào trong quan hệ hai bên cũng sẽ bị quan sát, phân tích kỹ. Hơn nữa, Mỹ đang bước vào kỳ chuẩn bị bầu cử tổng thống 2020 và đảng Dân chủ sẽ không những không bỏ qua chủ đề Nga mà sẽ còn gia tăng mức độ công kích Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chỉ đạo chính phủ chuẩn bị vận động thông qua thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới với Nga và Trung Quốc, báo The Washington Post dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết. Mục đích của việc này là nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân của Nga cũng như lần đầu tiên thẩm tra năng lực vũ khí của Trung Quốc. Sáng kiến này của ông Trump vẫn còn đang ở giai đoạn đầu. Các quan chức đang lên những phương án sẽ thực hiện chỉ đạo của ông Trump như thế nào. Chưa rõ chính quyền Trump có làm được điều này không khi Mỹ vẫn đang ở vào thế bế tắc trong quan hệ với Nga và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc còn chưa đi đến hồi kết. Chưa kể nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump chỉ còn chưa tới hai năm, trong khi những thỏa thuận dạng này phải mất hàng năm dài thương lượng và tiếp xúc ngoại giao. Theo các nguồn tin, ông Trump có đề cập mục tiêu này khi tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đầu tháng này tại Nhà Trắng, khi ông Lưu Hạc dẫn phái đoàn sang đàm phán thương mại. Theo ông Trump, sau khi thống nhất được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại, Mỹ và Trung Quốc nên ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí để cùng giảm chi tiêu quân sự. Sáng kiến này đến trong lúc cả ba nước đều tăng cường số lượng vũ khí hạt nhân của mình trong bối cảnh Hiệp ước New START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, ký tháng 4-2010), thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng giữa Mỹ và Nga sẽ hết hiệu lực vào năm 2021. New START sẽ chỉ được tiếp tục khi hai bên đồng ý gia hạn thêm. Tuy nhiên, vào ngày 10-4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói mục tiêu của Mỹ là đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí “tốt, vững chắc” với Nga và có thể cả với Trung Quốc, theo sau New START. |