Cơ hội sửa sai từ vụ cháy chung cư mini Hà Nội

Cơ hội sửa sai từ vụ cháy chung cư mini Hà Nội

(PLO)- Chung cư mini trá hình không còn cơ hội phát triển, mở ra thị trường cho chương trình 1 triệu nhà ở xã hội của Chính phủ.

Vụ cháy chung cư mini trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội với 56 người tử vong, 37 người bị thương trong làm dư luận bàng hoàng. Nhưng với tôi, từ dăm năm trước đã lo sợ một thảm họa như thế này sớm muộn sẽ xảy ra.

Nỗi lo lắng đó đến từ vụ cháy quán karaoke ở đường Trần Thái Tông năm 2018. Bức bối tìm hiểu để viết bài về sự việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này, tôi đã có những bàn luận, có lúc nảy lửa, lan sang cả nguy cơ cháy nổ của của chung cư mini.

vu-chay-chung-cu-mini-o-ha-noi-4-5363-7760.jpg
Những ngày này, nhiều người Hà Nội tìm đến phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thắp nén hương cho những nạn nhân của vụ cháy. Ảnh: Thanh Tú.

Người mà tôi tranh luận hồi đó chuyên đi thuê “cả tòa” chung cư mini, rồi đầu tư, nâng cấp để cho thuê lại kiếm lời. Địa bàn hoạt động chính là khu vực Mỹ Đình, nơi tập trung lượng rất lớn học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội học tập, mưu sinh.

Đi thực tế một vài “tòa” mà anh ấy thuê, đầu tư, vận hành, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là không có chung cư nào an toàn về PCCC cả. Đấy là an toàn theo nghĩa dân a-ma-tơ tự mình đánh giá, cảm nhận, chứ còn đáp ứng các điều kiện pháp luật vốn khá chặt chẽ, khắt khe về PCCC thì còn xa lắm.

Chúng tôi cùng trao đổi, mổ xẻ thì thống nhất rằng các vấn đề này là khó có thể giải quyết được.

Đầu tiên là ý thức, trách nhiệm từ những chủ đầu tư chung cư mini. Anh bạn tôi khẳng định tuyệt đại đa số chủ nhà mà cậu tiếp xúc để thuê, kinh doanh vận hành đều chưa có ý thức đáng kể về yêu cầu tuân thủ các điều kiện bình thường về an toàn, nhất là PCCC. Kể cả những tòa nhà được xây dựng trên diện tích đất khá lớn thì chủ đầu tư cũng bỏ qua hạng mục thang thoát hiểm. Lý do duy nhất là tận dụng tối đa diện tích làm phòng ở.

Một số ít chủ nhà ý thức được rủi ro về cháy nổ, có nỗ lực đầu tư một số hạng mục, thiết bị PCCC. Phổ biến nhất là bình cứu hỏa, tiêu lệnh PCCC, một số ít về hình thức có họng nước PCCC… Tuy nhiên, tất cả chỉ là đầu tư vừa phải.

Trong khoảng 20 chung cư mini mà anh bạn tôi vận hành lúc ấy, chỉ duy nhất có một tòa mà chủ nhà thực hiện rất cẩn thận và nghiêm túc các yêu cầu về PCCC, cả từ khâu thiết kế, thi công lẫn thẩm duyệt của cơ quan quản lý.

1/20 – một con số, một tỷ lệ rất đáng suy nghĩ!

nhà văn hoá 2.jpeg
Tình làng nghĩa xóm, áo lành đùm áo rách, nhường cơm xẻ áo có cơ hội được bộc lộ giữa bộn bề vất vả cuộc sống. Ảnh: Minh Trúc

Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều. Ban đầu, bạn tôi cho rằng “nhà là của chủ nhà, mình chỉ thuê, đầu tư và vận hành thôi” và do đó “trách nhiệm là thuộc về chủ nhà” còn “những thiếu sót mình không biết hoặc coi như không biết.”

Tôi tranh luận lại: Bạn là người thuê, người trực tiếp vận hành tòa nhà để kiếm lời, pháp luật buộc bạn phải biết, và phải chịu trách nhiệm pháp lý, nhất là khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đến lúc cậu bạn thông thì lại tòi ra những vấn đề mới. Chẳng hạn, hầu như tất cả những nhà đó là xây dựng không phép, hoặc có nhưng xây dựng không đúng nội dung cấp phép… Hoặc đơn giản nhất là thay đổi công năng sử dụng, xin cấp phép nhà ở riêng cho gia đình nhưng lại biến thành những căn hộ khép kín để cho thuê.

Với tình trạng pháp lý phổ biến đó, gần như tất cả các chung cư mini mà bạn tôi thuê lại, dù muốn bỏ đống tiền đầu tư trang thiết bị PCCC theo quy chuẩn an toàn thì cũng không thể đủ điều kiện để xin thẩm duyệt của cơ quan chức năng.

Một thực tế cần thừa nhận rằng nhu cầu nhà ở của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi “tấc đất, tấc vàng” là rất lớn và cấp bách. Tìm kiếm một chỗ ở khả dĩ với chi phí hợp lý luôn là suy nghĩ của bất cứ ai. Vấn đề là, sau một thảm họa lớn như vụ cháy nhà chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, thì nhu cầu này sẽ được người trong cuộc, các đơn vị vận hành, chủ nhà, cũng như chính quyền sở tại đánh giá thế nào?

Với các động thái của các cấp hai ngày qua, một cuộc tổng rà soát trên toàn quốc, nhất là các đô thị lớn vốn phổ biến mô hình chung cư mini sẽ được tiến hành. Những gì mà tôi và cậu bạn cảm nhận, tranh luận dăm năm trước giờ sẽ bộc lộ.

DSC00330.JPG
Những phần quà bằng hiện vật đã sẵn sàng để chuyển tới 45 hộ gia đình trong khu chung cư mini gặp nạn. Ảnh: Phi Hùng

Tôi đoán rằng, siết trật tự kỷ cương về xây dựng nhà ở, nhất là các công trình theo kiểu chung cư mini sẽ diễn ra. Nhiều khả năng sẽ không còn dễ dãi trong xây dựng trái phép, vượt giấy phép, thay đổi công năng tùy tiện nữa.

Với khung pháp lý cho loại hình chung cư mini đã có, việc siết lại trật tự xây dựng sẽ buộc các chủ đầu tư phải lựa chọn. Họ sẽ phải cân nhắc hiệu quả đầu tư mà nhiều khả năng là sẽ rất thấp nếu thực sự tuân thủ. Lúc ấy, những khoảnh đất ở xen kẹt trong khu dân cư hiện hữu sẽ thoát khỏi nguy cơ chồng lên đó những tòa nhà cao vút với mật độ ở dày đặc và mất an toàn. Đây sẽ là điểm tích cực cho đô thị.

Không chịu sự cạnh tranh của các chung cư mini giá rẻ, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội mà Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 4-2023 hẳn sẽ có cơ hội lớn hơn về thị trường. Chắc chắn, an toàn trong đó PCCC sẽ được đảm bảo hơn ở các dự án như thế này.

Song ứng xử thế nào với những chung cư mini thực tế đang là nơi ở vừa túi tiền cho hàng vạn hộ gia đình, với cả triệu nhân khẩu hẳn là không đơn giản, dù một bộ phận trong họ sẽ rời bỏ các khu nhà nguy hiểm trực chờ để tìm kiếm những chỗ ở an toàn hơn, dù chi phí cao hơn.

Còn với anh bạn tôi, từ sau cuộc tranh luận ấy đã có lựa chọn của mình. Anh ấy thực tế đã giảm dần những dự án không đạt chuẩn đó để chuyển sang loại hình kinh doanh khác, nôm na là chuyển nghề. Bởi anh nhận ra triết lý: Nếu có rủi ro thì tiền làm ra chẳng bõ đền cho nạn nhân và cả thời gian đi tù nữa.

Với vụ cháy kinh khủng và hậu quả đau lòng lần này, hẳn nhiều người cũng sẽ nghĩ như vậy!

Đọc thêm