Tốt hay tồi không phải ở người ra trò
Tôi rất sợ rắn. Có nhiều người thì sợ… sâu! Tôi còn nhớ một chuyện hồi năm chín mấy từng đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM, là trong một đám cưới ở Long An, một anh mang con sâu ra hù giỡn một cô gái. Dè đâu cô té xỉu thật. Tờ báo này cũng đặt vấn đề là hành vi giỡn đó có vi phạm pháp luật gì không?
Tôi thích sâu bướm, càng to càng hấp dẫn, đã thử nuôi vài lần, đảm bảo không té xỉu vì hù sâu. Nhưng nếu có ai mang một con rắn… nhựa thảy vô người tôi, tôi có thể té xỉu thật. Nếu ai thảy con mèo con vô người bà dì út tôi, bà ấy nhồi máu mà chết không chừng! Tôi chắc chắn đi kiện cho những người đùa giỡn đó phải trả giá hành vi đùa giỡn vô lối. Lối đùa giỡn đó thật lố bịch!
Chắc là nhiều người còn nhớ một nhóm quay clip đăng YouTube đã bị cơ quan công an mới làm việc. Nhóm này dựng tình huống có bom để quay clip phản ứng của người dân khi nghe tin có bom. Chúng ta có xem đó là một trò đùa?
Clip “Cô là ai, cháu không biết, cô đi ra đi” cũng gây nhiều tranh luận về việc đó là một trò đùa vui hay một trò lố bịch. Với một người đàn ông, có thể việc cô gái (trẻ, đẹp, sexy nữa thì càng hay) cặp xe sát bên là một trò đùa thú vị. Với tôi thì không, với một đứa bé gái, tôi nghĩ sẽ có cảm giác còn hơn tôi. Việc ai đó cặp xe máy sát xe mình, cười hô hố, cầm máy quay phim dí vào mặt mình, gằn giọng hỏi “đua không?” là một sự nguy hiểm cao độ. Với tôi, đó hoàn toàn không phải “một trò đùa vui thân thiện bình thường”.
"Cô là ai, cháu không biết, cô đi ra đi..." là đoạn clip ngắn đang rất hot trên mạng xã hội. Nguồn: YouTube
Tranh luận về tình huống trên là phí thời gian. Nó giống như việc tôi không hiểu tại sao các cô gái khác sợ sâu, nhiều con sâu bé như đầu kim mà cũng sợ!
Ở góc độ người đùa giỡn, bạn có chọn một trong các trò trên để đùa không? Kết quả đùa là tốt hay tồi thật không lường trước được!
Trẻ con không phải người lớn thu nhỏ
Mãi đến khi tôi có một đứa con gái, tôi mới hiểu cảm giác của ba mẹ tôi ngày xưa, cách đây hơn 30 năm, sợ hai chữ “bắt cóc” hay “đi lạc” là như thế nào.
Bài học nằm lòng ngày xưa đến giờ tôi vẫn nhớ, là không đi theo người lạ, ai cho gì cũng không được nhận. Có một câu chuyện rùng rợn được đem ra kể, không rõ có thật hay không, là ở Chợ Lớn có một bà đi bắt cóc con nít, cho ăn kẹo kéo thuốc mê rồi bỏ vô bao bố.
Dạy trẻ con biết đề phòng nhưng không sợ hãi, biết cẩn trọng nhưng không nhút nhát, lịch sự với người quen, người lạ nhưng không dễ dãi trò chuyện… không phải là chuyện dễ dàng.
Không phải ngày xưa mới thế. Bây giờ cũng vậy. Người lớn vẫn dạy trẻ con nói năng, cư xử lịch sự, phải phép. Và còn phải dạy trẻ con cư xử với cả những người không lịch sự, người lạ, người xấu. Các bé nhà tôi nay biết tự giác chào người quen, hàng xóm quen, kèm thêm chúc cô/chú/bác đi làm/về ăn cơm vui vẻ. Biết chào người lạ khi được ba mẹ “giới thiệu”.
Chắc chắn một điều là tôi sẽ không dạy con tôi kiểu lịch sự chào: "Chào cô, con không thích đua xe, chúc các cô đua xe vui vẻ”. Gặp loại rủ đua xe “nguy hiểm” đấy trên đường, đúng là phải hét to lên để người xung quanh đến ứng cứu.
Nếu là chính bạn, có người bóp kèn pin pin, cặp xe sát bên, cười hô hố, hỏi gằn “đua không?” và chĩa máy ảnh, điện thoại, máy quay phim vào bạn, bạn có một mình thì bạn làm sao?
Trang bị cho con trẻ những kỹ năng tự bảo vệ ngay từ sớm không bao giờ là thừa. (Ảnh minh họa)
Tôi là tôi thấy tức giận lắm. Một trò đùa lố bịch. Bạn thử nghĩ là bạn hoặc con của bạn bị ra làm trò đùa câu view, kinh doanh như thế, liệu bạn có chấp nhận không? Bạn có xem là đùa vui không? Tôi thì không. Tôi thấy tức giận.
Tôi không thể tin, cũng không thể dạy con mình đánh giá trò đùa như thế là thánh thiện, thiện ý, là vui!
Dạy trẻ con niềm tin vào điều tốt, điều thánh thiện, về tình người nhưng cũng dạy chúng đừng có dại dột, cả tin. Người lớn cũng cần tự dạy mình đùa giỡn mà không lố bịch, đùa có nơi, có chỗ, đùa đúng người, đúng cách.
Học cách giao tiếp với trẻ
Nhà hàng xóm sát cạnh nhà tôi có hai cô con gái. Cô bé lớn tầm sáu tuổi, hay sang nhà tôi xin đọc ké sách truyện. Tôi tặng kẹo, bé: “Dạ con không ăn đâu ạ, con mới ăn kẹo bên nhà con rồi, nhà con có nhiềuuuuu kẹoooooo lắmmmmm rồi ạ”. Mời ăn, tặng đồ ăn, “ép” đến lần thứ ba, thứ tư thì nó bỏ chạy về nhà.
Dần dà, tôi hiểu ra đứa bé không nên và không được nhận bánh kẹo, mà mình cứ thường xuyên mang ra “quyến rũ” nó, mình thật là vô duyên và độc ác!
Mời kẹo một cô bé hàng xóm thân thiết sát bên nhà mà còn phải học, nói gì đến việc giao tiếp với trẻ con ngoài đường. Từ khi có con, tôi tự thấy mình đã từng phạm quá nhiều lỗi, đã quá vô tâm (và vô duyên nữa) khi cư xử với trẻ con.
Đến gần một đứa bé, ôm hôn một em bé, khen một đứa trẻ, trò chuyện, chơi cùng, cho đồ ăn, cho đồ chơi, cùng chơi… mọi thứ đều phải cân nhắc, học cách cư xử cho lịch sự, đúng cách. Không phải cứ có “thiện ý” là được. Thiện ý đầu tiên, có lẽ, là nên chân thành tìm hiểu người khác, tránh gây hậu quả xấu.