Theo kế hoạch, hội thảo này sẽ được tổ chức vào ngày 28-9 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết suốt hơn một năm qua có rất nhiều vụ việc sản xuất phân bón giả bị phát hiện và bắt giữ nhưng số vụ việc bị xử lý và khởi tố hình sự rất ít. Đặc biệt có những vụ việc kéo dài đến cả năm mà không xử lý xong, điển hình là Công ty Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai).
Một trong những nguyên nhân - theo ông Thúy, xuất phát từ xử lý hành chính không đủ sức răn đe doanh nghiệp vi phạm bởi số tiền nộp phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà các đơn vị làm phân bón giả kiếm được.
“Tại sao khi lực lượng chức năng đến kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu sản xuất phân bón giả đều đóng cửa hoặc bỏ trốn. Chắc chắn trong nội bộ đã có người báo tin cho các doanh nghiệp này. Tôi cho rằng vấn đề bảo kê vô cùng lớn, bảo kê trong lực lượng chức năng, bảo kê ở địa phương cũng có, thậm chí còn là vấn đề lợi ích nhóm” - ông Thúy nói.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, khẳng định: “Tôi khẳng định có lợi ích nhóm. Chúng ta có muốn vào cuộc hay không thôi, vào cuộc là ra hết. Các doanh nghiệp lớn đầu tư hàng trăm tỉ đồng vẫn làm phân bón giả, kém chất lượng chỉ vì lợi nhuận. Các doanh nghiệp đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương nên khi hỏi đến vấn đề này có hiện tượng bao che, né tránh”.