Có một gia đình rất khác giữa lòng TP Đà Nẵng

Có một gia đình rất khác giữa lòng TP Đà Nẵng

(PLO)- Cả gia đình bốn người lang thang, ai cho gì ăn đó nhưng nhờ tấm lòng của một người dân, họ đang dần “học lại” những kỹ năng cơ bản nhất để hòa nhập cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Có một gia đình rất khác giữa lòng TP Đà Nẵng

Anh Vân nhặt một cái lon trong đống ve chai, gõ boong boong trên ghi-đông xe đạp. “Mình quen với tụi nó nhưng mình tới bất ngờ thì có thể thằng cha giật mình, nó sẽ không hợp tác” - anh Vân giải thích.

Nghe tiếng động, bốn người trong nhà đi ra đứng trước cửa. Người vợ thấy anh Vân cười lộ hàm răng đã mất nhiều cái răng cửa. Người chồng nhìn biết anh Vân đến quay lưng đi vào nhà. Đứa lớn nắm tay mẹ nhìn, còn đứa nhỏ nói to “Chụp hình, chụp hình”...

Cả gia đình đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực kể từ khi anh Vân hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ. Ảnh: HẢI HIẾU

Cả gia đình đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực kể từ khi anh Vân hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ. Ảnh: HẢI HIẾU

Gia đình này sống trong một căn nhà bỏ hoang trong một hẻm thuộc tổ 128 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Anh Vân phát hiện gia đình này hơn một năm trước, khi anh mới chuyển từ nơi khác về.

Theo anh Vân, anh không biết tên tuổi chính xác của bốn người trong gia đình này. Chỉ biết người chồng tên Thành (khoảng 40 tuổi), người vợ tên Bình hoặc Lượm (35 tuổi), bé trai lớn tên Phương (tám tuổi) và bé trai nhỏ tên Nam (năm tuổi).

Lúc anh Vân mới phát hiện, gia đình này hằng ngày đẩy con đi ngoài đường bất kể nắng mưa, nhặt ve chai bán, ai cho gì ăn đó. Thậm chí đi lượm những thức ăn trong thùng rác, có khi tự vào quán giật đồ ăn, thức uống của thực khách. Anh thấy gia đình này khổ quá nên quan tâm muốn giúp đỡ, nhất là giúp đỡ cho hai đứa nhỏ được đến trường, sau đó tìm kế sinh nhai cho hai vợ chồng này.

Người vợ biết chạy xe đạp chở con đi lấy thực phẩm sống về nấu ăn cho cả nhà, không còn cảnh tìm được gì thì ăn nấy. Ảnh: HẢI HIẾU

Người vợ biết chạy xe đạp chở con đi lấy thực phẩm sống về nấu ăn cho cả nhà, không còn cảnh tìm được gì thì ăn nấy. Ảnh: HẢI HIẾU

“Thế nhưng họ không có một giấy tờ tùy thân nào, không rõ nguồn gốc xuất thân nên đến giờ tôi gần như bế tắc trong việc làm giấy tờ để họ được hưởng phúc lợi xã hội cũng như hai bé trai được đi học” - anh Vân thở dài.

Sau đó, anh gặp được dì ruột của người vợ, bà tên Nguyễn Thị Hồng (73 tuổi) cho biết người phụ nữ này không phải tên Lượm mà là Trần Thị Bình.

Bà Hồng kể: “Mẹ của nó thần kinh cũng không được bình thường. Nó sinh ra thì thần kinh cũng không được bình thường, hai mẹ con cứ dìu dắt nhau sống lang thang. Hơn mười mấy năm trước, người ta đưa mẹ con nó vào trung tâm bảo trợ xã hội trên Hòa Sơn (Đà Nẵng) nuôi. Tôi cũng yên lòng, cũng nhiều lần đến thăm mẹ con nó. Mấy năm trước, mẹ nó bệnh nặng rồi mất. Thấy nó sống một mình trong đó tội, tôi đem về nuôi. Nhưng ở với tôi được vài tháng thì nó bỏ nhà đi lang thang, rồi vài tháng nó lại về. Nhưng có một lần nó đi về và ẵm theo đứa nhỏ, cùng thằng đang sống với nó bây giờ, giới thiệu tên là Châu.

Nó về đây tôi cũng nuôi. Đâu được một thời gian hai đứa dẫn đi đâu mất. Tôi cũng nghèo khổ và cũng lo cho hai cháu nội phụ thằng con nên không có điều kiện giúp Bình nhiều”.

Anh Vân hỗ trợ vốn cho người chồng đi bán vé số nhưng được vài tháng thì phải nghỉ do phát hiện bệnh lao. Ảnh: NVCC

Anh Vân hỗ trợ vốn cho người chồng đi bán vé số nhưng được vài tháng thì phải nghỉ do phát hiện bệnh lao. Ảnh: NVCC

Theo bà Hồng, một thời gian sau có người chạy đến nhà hỏi có phải Bình là cháu bà không. Họ báo tin là mới chở Bình đến bệnh viện 600 giường (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) để sinh.

Giờ tôi chỉ ước có cách nào đó, cơ quan nào đó có thể xác nhận, làm giấy tờ cho hai đứa nhỏ. Tôi mong muốn các con có giấy tờ tùy thân để được đi học, cả gia đình được mua BHYT.

Anh VÂN, người cưu mang gia đình “hoang dã”

“Tôi lúc này hết sức khỏe đi làm, con trai tôi cũng làm thuê nên tằn tiện, vay mượn nuôi cơm nó trong lúc nằm viện. Nhiều người cũng xúm lại góp mỗi người một ít để đủ tiền cho nó xuất viện. Bé trai sau này có giấy chứng sinh nhưng cũng không có giấy khai sinh” - bà Hồng nhớ lại.

Hai vợ chồng về thì dắt ra chỗ nhà hoang ở. Bà Hồng hằng ngày đem cơm qua nuôi cháu đắp đổi qua ngày. Người chồng đi theo vợ, theo con nhưng cũng không biết làm gì, chỉ biết lượm cái gì, hái được cái gì thì ăn cái đó.

“May thời gian gần đây, chú Vân nhiệt tình chỉ dẫn, nó mới biết nấu ăn. Ông giờ ngày nào cũng biểu tụi nó ra lấy đồ về nấu ăn chứ không cho tiền, vì cho tiền là nó mua nước ngọt uống hết” - bà Hồng kể.

Theo anh Vân, trước đây họ không có khái niệm vệ sinh cá nhân, nhiều tháng không tắm, không biết và không có dụng cụ nấu ăn, không lau dọn nhà, ngủ trên nền đất. Sống nhờ mọi người cho thức ăn hằng ngày và nhặt ve chai để có tiền mua nước ngọt…

Anh Vân đã tìm cách gần gũi, mua sắm dụng cụ nấu ăn, vệ sinh và nhu yếu phẩm, kéo điện, máy bơm nước và đặc biệt là chỉ dạy nấu ăn, tắm giặt. Hiện tại anh Vân phải đặt thực phẩm sống hằng ngày để họ tự lấy về nấu. Thời gian đầu anh Vân chỉ cách dùng bếp, cắm cơm, nấu các món ăn đơn giản. Sau đó là lau nhà, phát dọn cỏ xung quanh để đỡ côn trùng, rắn rết…

Anh Vân tìm cách gần gũi, mua sắm dụng cụ nấu ăn, vệ sinh chỉ dạy nấu ăn, tắm giặt...

Anh Vân tìm cách gần gũi, mua sắm dụng cụ nấu ăn, vệ sinh chỉ dạy nấu ăn, tắm giặt...

“Trước đây họ từng chửi và đuổi nhiều nhà hảo tâm vì e ngại bị bắt con. Khi mình nói chuyện với họ vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm, họ dần hiểu mới làm theo. Tôi rất mừng là họ lúc đầu phản đối việc cho con đi học nhưng sau đó cũng biết đưa đón, dỗ dành. Cháu bé được đi học ba tháng, giao tiếp được. Tôi chữa được bệnh lao cho chị Bình và dự phòng cho anh Thành đó là niềm an ủi lớn nhất của tôi để có động lực tiếp tục giúp họ. Nhưng họ là con người thì không thể không có tên, tôi mong các ban ngành chức năng ngồi lại tìm giải pháp cho họ có giấy tờ, khó thì hai cháu nhỏ trước để có an sinh xã hội, được đi học vì để lâu quá lớn tuổi, khó hòa nhập” - anh Vân nghẹn giọng.

Những chi phí giúp gia đình này, anh Vân vận động những người trong tổ, bạn bè, phần còn lại vợ chồng anh Vân phải cân đối chi tiêu để trợ giúp. Hiện tại, anh Vân vẫn đang thuê người có chuyên môn cho uống thuốc, cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm, điện, nước, các chi phí khác để hết chu trình điều trị bệnh lao cho chị Bình.

Tìm cách cấp giấy tờ tùy thân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho biết trường hợp này phường cũng đã nắm và có nhiều sự hỗ trợ của địa phương như hội Phụ nữ, Tư pháp phường… nhưng vẫn bế tắc trong việc làm giấy tờ tùy thân cho họ.

“Chúng tôi đã cử tư pháp phường đi xác minh gia đình này nhưng họ không phải là công dân sống ở phường Hòa Minh. Họ là những người sống lang thang ở Đà Nẵng nhiều năm và ở trong căn nhà hoang của phường này khoảng ba năm nay. Cán bộ đi xác minh người dì của người vợ, người này nói là dì ruột nhưng cũng không có giấy tờ chứng minh nên rất khó xác nhận nhân thân cho họ làm giấy khai sinh” - ông Phúc nói.

UBND phường, Công an phường Hòa Minh đã liên hệ với Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng nhưng trung tâm không tiếp nhận vì lý do không có giấy tờ tùy thân, không có người thân bảo lãnh. “Đơn vị đã gửi đề nghị đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính để tham mưu giám đốc Công an TP Đà Nẵng can thiệp Sở Tư pháp, Sở LĐ-TB&XH phối hợp, giải quyết trường hợp gia đình trên” - Thượng tá Ngô Văn Công, Trưởng Công an quận Liên Chiểu, cho hay.

Đọc thêm