Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai? - Bài 2: Quyền quá lớn dễ dẫn đến lạm dụng

“Những năm gần đây, khi giá đất liên tục tăng thì tình trạng lạm dụng sự mù mờ về quyền sở hữu đất đai để mưu cầu lợi ích riêng càng ghê gớm, tạo nên biết bao điều nhức nhối trong xã hội” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn nêu vấn đề.

Dân không có quyền từ chối

Cùng với quá trình đô thị hóa, việc thu hồi đất đã diễn ra ồ ạt ở các vùng ven đô và nhiều nơi khác cho các dự án, công trình. Số đất bị thu hồi thường rơi vào đất nông nghiệp khiến hàng vạn hộ dân mất đất, mất nơi sinh sống, mất kế sinh nhai. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ được nhận tiền bồi thường rất thấp so với giá thị trường.

Trong những trường hợp này, vì không được công nhận quyền sở hữu về đất đai nên người dân không có quyền từ chối việc bị thu hồi đất. “Họ cũng không thể mặc cả trên nguyên tắc thuận mua vừa bán với người muốn lấy đất của mình. Người dân buộc phải giao đất cho nhà nước với mức giá và điều kiện do nhà nước đưa ra. Chưa kể còn có tình trạng doanh nghiệp (DN), cá nhân dựa vào thế lực hoặc mối quan hệ thân quen với quan chức ép người dân phải nhận tiền bồi thường” - bà Phạm Chi Lan nêu một thực tế.

Theo PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên chương trình Fulbright, sự không rõ ràng về quyền sở hữu đang gây bất lợi cho nông dân. Đất đai của họ có thể bị nhà nước thu hồi với giá bồi thường rẻ cho các mục đích. “Tăng trưởng của Việt Nam đã dồn trên lưng nông dân. Cần sửa Luật Đất đai theo hướng tạo công bằng cho họ” - ông Nghĩa kiến nghị.

Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai? - Bài 2: Quyền quá lớn dễ dẫn đến lạm dụng ảnh 1

Thu hồi đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè, TP.HCM thi công một dự án nhà ở. Ảnh: HTD

“Việc dễ dàng lấy đất từ tay người nghèo do những lỗ hổng trong cơ chế, do những yếu kém trong quản lý và đạo đức của một số quan chức càng thúc đẩy quá trình “phân bổ lại” nguồn lực đất đai theo hướng tích tụ đất vào tay số ít người giàu. Đó chính là nguyên nhân của những bất bình, của không biết bao nhiêu vụ khiếu kiện, thậm chí cả những rối loạn đã xảy ra ở một số nơi” - bà Phạm Chi Lan bức xúc.

Nhiều điều đáng suy nghĩ

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), căn nguyên của tình trạng trên là do quyền của nhà nước đối với đất đai còn quá lớn, quá rộng. Hiện quyền thu hồi đất được áp dụng khá rộng rãi trong các dự án công trình công cộng, dự án xây trụ sở cơ quan nhà nước, thậm chí với cả các dự án kinh tế đáp ứng một số điều kiện. “Trong khi đó, ở nhiều nước chính quyền chỉ có quyền thu hồi đất trong trường hợp cần sử dụng cho mục đích công cộng. Trong trường hợp ấy, nhà nước cũng phải dùng tiền ngân sách để mua lại đất của dân” - ông Võ nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phân tích: “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, nhà nước có quyền quản lý, đó là thứ đặc quyền. “Ông xã”, “ông huyện”, “ông tỉnh”, “ông trung ương” có quyền quá lớn dẫn đến việc lạm dụng quyền đó một cách tràn lan và tạo ra tiêu cực. Đó cũng là điều khiến bộ máy nhà nước dễ bị tha hóa vì quyền lực của nó quá lớn trên một lĩnh vực quá quan trọng. Sở hữu toàn dân đối với đất đai, trong một số trường hợp đã hợp lý hóa sự bất công, hợp thức hóa sự tước đoạt, hợp thức hóa việc chuyển mục đích sử dụng trái phép. Đó là điều cần phải suy nghĩ!”.

Kẽ hở cho tham nhũng

100.000 vụ tranh chấp, phản ánh, tố cáo, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai mỗi năm, theo số liệu từ Thanh tra Chính phủ.

Theo bà Phạm Chi Lan, điều đáng nói nữa là duy trì sở hữu toàn dân theo kiểu mù mờ như hiện nay thì ngay cả đất công cũng không được quản lý tốt, không được sử dụng hiệu quả. Biết bao diện tích đất nhà nước giao cho các cơ quan, DN nhà nước đã bị sử dụng một cách lãng phí. Nhiều đơn vị còn đem bán, cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần mức giá họ trả cho nhà nước, kiếm lời lớn trên mảnh đất vốn không phải của họ. “Nếu đã là của toàn dân thì khi khai thác những mảnh đất đó, lợi ích phải thuộc về toàn dân chứ không thể thuộc về một số ít tổ chức và cá nhân như vậy” - bà Phạm Chi Lan nói.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cũng phân tích: Có một mảng mà ta chưa quản chặt được, đó là đất nông nghiệp, đất nông lâm trường. Những loại đất này rất dễ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các loại đất khác. “Nếu không phân định rõ, không xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước thì việc chuyển mục đích sử dụng của những loại đất trên sẽ xảy ra rất nhiều. Đó chính là kẽ hở cho tham nhũng” - ông Chính nói.

Nhà nước có quyền mua trước

Ở nước ngoài, khi lấy đất của dân, nhà nước phải đi mua lại đất chứ không thu hồi như ở ta. Nhà nước cũng là đối tượng tham gia vào thị trường bất động sản nhưng có quyền tiên mãi, tức là quyền được mua trước. Khi người dân có mảnh đất cần bán, họ phải khai báo với cơ quan nhà nước và đưa ra mức giá cụ thể. Khi thấy giá cả hợp lý, nhà nước tiến hành mua. Nếu nhà nước không mua thì người dân mới có quyền bán cho người khác.

GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ,nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Một số vụ tham nhũng về đất đai

Vụ Vĩnh Cửu, Đồng Nai: Tám bị cáo nguyên là cán bộ tại Đồng Nai đã bị TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử vào tháng 9-2008. Trong vụ này, nguyên chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Hoàng Huynh đã lợi dụng chức quyền cấp sai 600 m2 đất cho con gái và cấp đất nhiều lần cho Nguyễn Minh Huấn, nguyên trưởng phòng tài chính huyện Vĩnh Cửu, để Huấn bán thu lợi trên 1,4 tỉ đồng. Ông Huynh còn tạo điều kiện cho nhiều cán bộ tham nhũng trên 16.000 m2 đất, phân lô bán nền, chia chác cho người thân…

Vụ Quán Nam, Hải Phòng: Chín người nguyên là cán bộ ở Hải Phòng đã bị đưa ra xét xử phúc thẩm vào tháng 5-2009. Thay vì cấp đất cho trên 350 hộ dân, những người này đã phân lô, bán nền cho gần 1.000 hộ, trong đó có nhiều cán bộ của TP Hải Phòng. Một số bị cáo và thân nhân cũng được chia 3-7 suất đất. Nhiều trường hợp đã mua đi bán lại, hưởng lợi hàng trăm triệu đồng.

Vụ Hóc Môn, TP.HCM: Tháng 8-2010, TAND TP.HCM xử vụ tham nhũng đất đai ở huyện Hóc Môn. Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khỏe đã bỏ túi số tiền phi pháp lên đến hàng tỉ đồng. Ông Khỏe đã đề nghị duyệt dự án mà DN xin thực hiện không có đủ khả năng về vốn. Hậu quả là DN này đã qua mặt cả cơ quan liên ngành TP để thực hiện một dự án lên đến hàng ngàn hecta đất mà chưa qua khâu bồi thường giải tỏa cho người dân.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm