Có nên dừng tất cả lễ hội?

Ngày 31-1, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn (Hà Nam) đang diễn ra.

Trước đó, vào sáng 30-1, có ba lễ hội lớn khai hội thu hút rất đông người đến dự là lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Gióng ở đền Sóc (Hà Nội) và lễ hội đánh nhau cầu may ở Thanh Hóa.

Vào 29-1, lễ hội Gò Đống Đa (Hà nội) đã thu hút hàng ngàn người tham gia...

Sau tết, là khoảng thời gian diễn ra hàng loạt lễ hội ở khắp các vùng miền nước ta. Mỗi lễ hội mang một vẻ đặc sắc riêng biệt trong văn hóa, tâm linh của người Việt. Điều đáng nói ở đây là những hình ảnh không được đẹp trong các lễ hội. Đó là những cảnh đông người chen lấn, giành giật lộc chốn tôn nghiêm.

Hội Gióng ở đền Sóc năm 2020 bắt đầu từ sáng 30-1 có rất đông người đến dự, không đeo khẩu trang. Ảnh: Viết Thịnh

Có người còn giành nhau chỗ đốt nhang, nơi quỳ khấn hay tranh chỗ bày biện những món lễ vật, sao cho chỗ của mình càng gần bàn thờ càng tốt. Nếu chùa, miếu hay trong một lễ hội có tổ chức phát lộc thì cảnh giành giật càng táo tợn hơn.

Để giành được cái lộc, có người sẵn sàng xô đẩy, thậm chí là chửi, đánh nhau tạo ra cảnh tượng hỗn loạn nơi đình, chùa tôn nghiêm. Những người sẵn sàng “hạ cẳng tay, thượng cẳng chân” như vậy để giành lộc, thì không biết thánh thần nào chứng giám, phù hộ cho họ?

Và khi ấy, lại là thời cơ cho những người chuyên “buôn thần bán thánh” chuộc lợi, tạo thêm cảnh hỗn loạn nơi thờ cúng trang nghiêm.

 

Dòng người đổ về đền Sóc dự hội trước các cảnh báo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona. Ảnh: VIẾT THỊNH

Nhiều năm nay, mặc dù ban tổ chức các lễ hội lớn đều có thông báo, hướng dẫn người dân khi tham dự nhưng vẫn diễn ra cảnh xô đẩy, chen lấn.

Đi lễ đầu năm là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt để cầu mong mọi sự may mắn, tốt lành. Nhưng ranh giới giữa văn hóa và thiếu văn hóa trong hoạt động tâm linh này đang trở nên quá mong manh bởi những hành động xấu xí này.

Một số người thường biện minh cho cảnh giành giật nơi tôn nghiêm với nhiều lý do: Nơi này linh thiêng thì mới như vậy, cả năm chỉ có vài ngày… Điều đó không đúng. Việc chen lấn, giành giật xuất phát từ chính cách hành xử của một số người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, bỏ qua những giá trị chia sẻ, hiếu kính. Thay vào đó là lối hành xử mạnh thắng yếu thua.

Hội Gióng chật kín người. Ảnh: VIẾT THỊNH

Thiết nghĩ, khi con người đã có lòng thành thì việc lễ bái có thể thực hiện ở bất cứ đình, chùa nào, thời điểm nào trong năm. Khi đã đến nơi tâm linh, tôn nghiêm thì nên nhường nhịn, vui vẻ với mình và người khác. Đó mới thật sự là may mắn, an lành.

Để xây dựng lối ứng xử văn minh, trước hết các bậc cha mẹ nên dạy cho trẻ nhỏ cách xếp hàng, tuân thủ thứ tự và nhường nhịn. Khi người lớn làm gương, trẻ nhỏ sẽ noi theo và từ đó mọi người sẽ tự rèn luyện cho bản thân một nếp sống tốt.

Riêng với những lễ hội đông sau dịp tết năm nay, tôi mong mọi người nên hạn chế tham gia, bởi chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng đã có những thông báo về kiểm soát dịch bệnh, khi cần thiết sẽ tạm dừng các lễ hội đông người.

Trước tình hình đại dịch Corona đang tăng mạnh, đã có ba người Việt Nam dương tính với Corona thì mọi công dân càng phải ý thức cao để bảo vệ bản thân và cộng đồng, không nên kéo nhau đến lễ hội.

Thiết nghĩ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần có khuyến cáo người dân hạn chế đến lễ hội, các đơn vị tổ chức cần tạm dừng các hoạt động lễ hội mùa này.

Mỗi người dân chúng ta hãy vì cái chung, tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan công an, y tế, văn hóa… để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người khi đến các lễ hội đông người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm