ĐBQH Dương Trung Quốc đã nhận định như vậy vào sáng nay 25-10, khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Cuộc trao đổi liên quan đến việc Ủy ban kiểm tra trung ương vừa đưa ra thông cáo xử lý sai phạm đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.
. Phóng viên: Ủy ban kiểm tra trung ương có đưa thông cáo xử lý sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, tuy nhiên dư luận cho rằng mức kỷ luật cảnh cáo là nhẹ, ông đánh giá như thế nào?
+ Đại biểu Dương Trung Quốc: Cái đó tôi không phát biểu bởi chúng ta phải đi rất cụ thể vì nó liên quan đến một con người, sinh mạng chính trị một con người. Tôi tin vào các thông tin được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay
. Ông đánh giá như thế nào về việc UBKTTƯ đưa ra kết luận kỷ luật đối với nguyên cán bộ cấp cao của Đảng?
+ Đây là một hiện tượng mới, thể hiện nguyên lý rất quan trọng là mọi người phải bình đẳng trước pháp luật. Thậm chí người xưa đã nói người chức vụ càng cao thì phải chịu trách nhiệm mức độ càng lớn. Bởi người dân bình thường họ không được hưởng nhiều cái lợi nên sai sót có thể do nhiều lý do.
Chính vì thế, việc làm của UBKTTƯ có nhiều tác dụng, nhất là mang tính răn đe. Chúng tôi cũng không muốn ai bị xử lý nhưng tính răn đe là rất quan trọng. Vì thế tôi nghĩ việc làm này cho người dân tin rằng lời nói và việc làm, nhất là đối với cơ quan lãnh đạo Đảng là rất quan trọng.
. Vụ việc ông Trần Văn Truyền và Vũ Huy Hoàng cho thấy người đứng đầu lạm quyền. Cơ chế giám sát của mình như thế nào lại để cho những hiện tượng đó xảy ra?
+ Tôi có cảm giác, cơ chế của mình là cán bộ cao cấp của Đảng thì chỉ Đảng mới quyết định được nên sự giám sát của quần chúng, ĐBQH rất hạn chế. Tôi nghĩ cần thay đổi, phải lắng nghe người dân là những người không được hưởng lợi gì ngoài lợi ích chung của đất nước.
. Là nhà sử học, ông có nhận xét gì về việc xử lý kỷ luật đối với quan lại thời xưa và nay?
+ Ngày xưa hay hơn ta (bây giờ) là có lên xuống, có công thì thưởng có tội thì phạt nhưng hình như nước mình bây giờ không có điều đó. Anh nào có công thì lên vù vù còn anh nào có “phốt” thì không bao giờ lên được. Điều đó làm hạn chế tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của con người.
Người dân thường nói là anh nào có tài có tật, làm nhiều mắc lỗi nhiều nên tôi thấy nguyên lý của người xưa hay hơn.
Ngày trước ông Nguyễn Công Trứ có lúc đi hiệu lệnh, bị kỷ luật nặng nhưng có lúc lên rất cao. Rất nhiều người như thế. Ngày xưa các cụ luân chuyển đi khắp nước trong khi đường sá giao thông (thời đó) không đơn giản. Rất nhiều cái chúng ta đang rơi vào quan liêu hơn các tiền nhân.
. Xin cám ơn ông.