'Có những bất cập trong xác định giá bồi thường'

(PLO)- “Chúng tôi nhận thấy có những bất cập trong xác định giá bồi thường. Quốc hội, Chính phủ cũng nhìn thấy những bất cập này..." - Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM nói vớ cử tri quận 10, TP.HCM. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 3-10, tổ ĐBQH đơn vị số 4, đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri quận 10 trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tổ ĐBQH đơn vị số 4 gồm Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân.

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Thị Nguyệt, phường 9, có đề đạt với ĐBQH TP về Luật Đất đai sửa đổi. Theo cử tri Nguyệt, các ĐB phải đi thực tế khảo sát thì mới nắm rõ sự chênh lệch về giá bồi thường cho người dân so với giá thị trường như thế nào.

“Phải làm sao để giá bồi thường phải sát với giá thị trường, đảm bảo đời sống của người dân vì cuộc sống của họ bị xáo trộn rất nhiều. Mặt khác, vì giá bồi thường thấp nên các công trình bị trì trệ, bỏ dở nhiều năm do người dân khó lòng đồng thuận”- cử tri Nguyệt nói.

'Có những bất cập trong xác định giá bồi thường' ảnh 1

Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt có ý kiến về Luật đất đai. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trao đổi với ý kiến của cử tri, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM thông tin, kỳ họp sắp tới là kỳ họp đầu tiên cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi. Dự kiến, Quốc hội sẽ lấy ý kiến và thông qua ba kỳ họp.

Bà Tuyết cho rằng, đây là bộ Luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân rất nhiều.

Theo dự kiến, trong sáu tháng đầu năm 2023, Quốc hội sẽ lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật đất đai, sau khi ĐBQH đã cho ý kiến. Đoàn ĐBQH TP sẽ tổ chức bốn hội thảo lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về dự án Luật này.

“Bà con cử tri thấy điểm nào cần góp ý, cần sửa hoặc quy định như vậy là chưa phù hợp thì gửi về đoàn ĐBQH TP hoặc gửi về Ủy ban MTTQ TP.HCM”- bà Tuyết thông tin.

'Có những bất cập trong xác định giá bồi thường' ảnh 2

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM thông tin, kỳ họp sắp tới là kỳ họp đầu tiên cho ý kiến về Luật đất đai. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, các đại biểu thuộc đoàn ĐBQH TP rất quan tâm đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất để thực hiện các dự án. TP.HCM đã kiến nghị nội dung này rất nhiều lần.

“Thời gian qua, rất nhiều dự án bị chậm tiến độ do vướng công tác bồi thường, một số công trình trọng điểm không thể làm tiếp. Chúng tôi nhận thấy có những bất cập trong xác định giá bồi thường. Quốc hội, Chính phủ cũng nhìn thấy những bất cập này. Nhiều đoàn giám sát của các tỉnh, thành chứ không riêng TP.HCM cũng phản ánh kiến nghị rất nhiều”- bà Tuyết nhìn nhận.

Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ tiếp tục tham gia, nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia để làm sao khi Luật đất đai được sửa thì nội dung liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, các chính sách về giá sát với thị trường, làm sao để đảm bảo được đời sống của người dân sẽ ổn định, bằng hoặc tốt hơn so với trước đây.

Tại hội nghị, cử tri Phạm Văn Luận, phường 1 bày tỏ mối quan tâm về tình trạng lao động bị lừa bán sang Campuchia, bị đánh đập dã man mà báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Theo cử tri, đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ nguyên nhân và phải có giải pháp để ngăn ngừa.

Cử tri Luận cho rằng, tình trạng bị lừa với chiêu trò “việc nhẹ lương cao” nêu trên cũng xuất phát từ các ứng dụng công nghệ, qua các tin nhắn trên điện thoại. Không chỉ giới trẻ bị lừa bán sang Campuchia, người lớn tuổi cũng bị lừa gạt không ít, mất tiền, mất tài sản rất nhiều.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH TP.HCM chia sẻ, người dân bị đánh vào tâm lý làm việc nhàn, thu nhập cao nên dễ bị lừa. Bà ghi nhận và hứa sẽ phản ánh, chất vấn các bộ ngành có liên quan trong kì họp tới.

Bà cũng nhấn mạnh, chính các lao động bị lừa sang Campuchia cũng tham gia vào các đường dây để lừa đảo người dân của mình.

“Họ ở Campuchia nhưng lừa được người dân mình, người già, phụ nữ ít giao tiếp bên ngoài nghe đến các cơ quan lập pháp là sợ nên đồng ý chuyển tiền. Bên cạnh đó cũng có các hình thức khác là lừa đánh vào lòng tham của người dân như có quà từ nước ngoài chuyển về đề nghị đóng thuế để nhận… Đó là những tình huống gây khó cho cơ quan chức năng”- bà Tuyết nói.

Bà cho hay, Bộ Công an và Bộ Thông tin- Truyền thông cùng các sở, ngành đã phối hợp và xử lý nhiều vụ việc, bắt giữ nhiều vụ và mong người dân hợp tác, báo tin cho cơ quan chức năng khi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm