Sáng 29-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đáng chú ý, tờ trình dự án luật mà Chính phủ gửi tới QH hôm 27-9 thể hiện nội dung dự thảo đã có nhiều thay đổi sau khi tiếp thu ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH tuần trước.
Bỏ quy định thu hồi khi có “80% người có đất thu hồi đồng ý”
Một trong những vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm và cho ý kiến liên quan đến quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tại phiên họp thẩm tra, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo luật đã quy định rõ nội hàm “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: XĐ |
Theo đó, Chính phủ dự kiến định nghĩa đây là “các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Ông Hà cũng cho biết dự thảo tiếp tục quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm “công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát”. Trong số này vẫn bao gồm dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở (các quy định về thu hồi đất cho dự án đô thị, nhà ở thương mại không nhận được sự đồng thuận từ cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cũng như nhiều thành viên UBTVQH - PV).
Tuy nhiên, dự thảo mới đã bổ sung thêm tiêu chí, điều kiện thu hồi đất trong trường hợp này, theo đó “chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự thảo cũng không quy định trường hợp thu hồi khi có “80% người có đất thu hồi đồng ý” như trước đó. Tại phiên họp của UBTVQH hôm 22-9, hầu hết ý kiến đều không đồng tình với đề xuất này. Trong đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng không thể có việc một dự án đang áp dụng cơ chế dân sự (thỏa thuận) lại chuyển sang cơ chế hành chính (Nhà nước thu hồi).
Đề xuất bỏ cơ chế “thỏa thuận”
Cũng liên quan đến cơ chế thu hồi đất, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang, nói người dân muốn công bằng và nếu vẫn duy trì hai hình thức là thu hồi và thỏa thuận thì tạo ra mất công bằng rất lớn cho người dân.
“Cùng một thửa ruộng, một bên cắt ra làm đường cao tốc giá nhà nước, một bên cắt ra làm cây xăng giá cao hơn gấp trăm lần” - ông Thịnh nêu thực tế. Ông cho rằng rất nhiều dự án bị “treo”, chậm, hoang hóa phần lớn do thỏa thuận nên không thu hồi được đúng điều kiện diện tích đất để triển khai dự án.
“Mong các cơ quan xem xét kỹ vấn đề thỏa thuận, theo tôi nên hạn chế. Nhà nước nên thu hồi và bán đấu giá” - ông Thịnh đề xuất. Theo ông, việc bỏ cơ chế “thỏa thuận” thể hiện đúng bản chất “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận việc duy trì hai cơ chế Nhà nước thu hồi đất và để doanh nghiệp tự thỏa thuận dẫn đến việc có hai loại giá và sẽ có kiện cáo. Ông dẫn lại ví dụ ĐB Thịnh vừa nêu để “thấy ngay sự chênh lệnh và cũng không bình đẳng”.
Mặt khác, theo Bộ trưởng Hà, cũng không khẳng định được rằng doanh nghiệp lo cho người dân sau thỏa thuận thế nào về an sinh xã hội, nhất là những người yếu thế.
Tuy nhiên, Nghị quyết 18 của trung ương định hướng “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
“Vấn đề này chúng tôi đã nghiên cứu căn bản rồi nhưng chúng tôi chấp hành Nghị quyết 18. Nếu các đồng chí nêu thế thì chúng tôi tiếp tục nghiên cứu” - ông Hà cho biết.
“Địa phương cực kỳ lo lắng về giá đất”
Tại phiên họp thẩm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo đã hoàn thiện thêm các quy định về trình tự xây dựng bảng giá đất, trách nhiệm xây dựng bảng giá đất, trách nhiệm của HĐND, UBND trong xây dựng bảng giá đất.Cũng theo Bộ trưởng, bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm “là hợp lý” và đảm bảo giá đất sát với giá thị trường.
“Việc xác định giá đất là vô cùng khó khăn, địa phương cực kỳ lo lắng, dựa vào đâu để nói giá đất nào chuẩn, trung ương mới có đủ chuyên gia tính toán được chứ địa phương thì khó lắm“ - ĐB Đào Hồng Vận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế (ĐBQH tỉnh Hưng Yên), nêu ý kiến.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, băn khoăn: “Nếu quy định bảng giá đất hằng năm thì không biết các địa phương thế nào. Tôi nghĩ rất khó, tương đối phức tạp” . ông Tuấn Anh cho rằng bảng giá đất nên xây dựng một lần, sau đó sẽ tiến hành điều chỉnh để bảo đảm phù hợp hơn trong thực tiễn.
“Đừng hiểu giá đất hôm nay đấu giá là giá thị trường, đừng hiểu giá đất hôm nay vừa bán xong là giá đất thị trường. Nhà nước phải làm sao tạo ra giá đất ổn định nhưng đồng thời phải đưa ra công thức để thống kê giá đất trung bình, ổn định“ - Bộ trưởng Trần Hồng Hà phản hồi các ĐB sau đó.
Ông Hà cho hay trước mắt, do chưa có bản đồ địa chính đất đai số, chưa có dữ liệu thông tin giao dịch đất đai thì buộc áp dụng theo bốn phương pháp, trên cơ sở điều chỉnh, kết hợp phương pháp này với phương pháp kia để xác định giá đất.
Khi có bản đồ địa chính, có thông tin giá cả đất đai trên thị trường, có quy định thu nghĩa vụ thuế của người chuyển nhượng đất đai thông qua giá đất hằng năm, không tính trên giá hợp đồng thì người dân sẽ kê khai đúng giá giao dịch.
“Chúng tôi chế định trách nhiệm công dân, nếu sai tức là vi phạm pháp luật, Nhà nước sẽ không công nhận hợp đồng đó” - ông Hà nói và tính toán sẽ mất khoảng 3-5 năm để có thể tính được giá đất thị trường.
Vẫn theo Bộ trưởng, ở TP.HCM và nhiều TP thì chỉ còn việc xác định các thửa đất chuẩn và từ các thửa đất đó, thông qua theo dõi giá cả biến động, sẽ có bảng giá đất hằng năm...