'Có những Gen Z thích dấn thân nhưng khách hàng mới la một câu đã bật khóc'

(PLO)- Thái độ là tiêu chí được các chuyên gia, nhà tuyển dụng đánh giá cao nhất khi tuyển dụng lao động hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-4, Trung tâm hỗ trợ Học sinh - sinh viên TP.HCM đã tổ chức Ngày hội việc làm cho hơn 7.000 sinh viên. Ngày hội có hơn 150 doanh nghiệp tham gia và cung cấp hơn 8.000 vị trí việc làm trong nhiều lĩnh vực, như Công nghệ thông tin, Tài chính - ngân hàng, Thương mại điện tử, Quản trị du lịch - khách sạn - nhà hàng...

Các sinh viên tìm hiểu việc làm tại các gian hàng của doanh nghiệp ở ngày hội. Ảnh: P.A

Các sinh viên tìm hiểu việc làm tại các gian hàng của doanh nghiệp ở ngày hội. Ảnh: P.A

Đáng chú ý tại ngày hội, các nhà tuyển dụng và chuyên gia thị trường lao động đã có nhiều chia sẻ thú vị về chủ đề “Nhân sự Gen Z và xu hướng tuyển dụng mới nhất”.

Theo các khách mời, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên thị trường lao động vẫn sôi động và đòi hỏi yêu cầu cao hơn, để phù hợp với tình hình mới.

Trong đó, một trong những yêu cầu mà nhà tuyển dụng quan tâm nhất hiện nay là thái độ, chiếm đến 70% các tiêu chí đánh giá. Thái độ ở đây chính là tính trung thực, tính cam kết, tư duy hiệu quả trong quá trình làm việc.

Là một CEO trong lĩnh vực công nghệ, TS Đinh Mộng Kha cho rằng trong bất kỳ giai đoạn nào của kinh tế, "đất dụng võ" vẫn luôn có cho những ai có năng lực thực sự.

Riêng đối với thế hệ gen Z, TS Đinh Mộng Kha cho biết trong công ty của bà hiện có khoảng 60% nhân sự trong độ tuổi gen Z. Và dự báo chung đến năm 2030, nhóm lao động trên thị trường là gen Z sẽ chiếm đến 30%. Đây là độ tuổi được đánh giá là tiệm cận công nghệ rất sớm, vì vậy, các bạn nắm bắt xu hướng rất nhanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Kha, ở lĩnh vực công nghệ, độ tuổi này rất thích dấn thân, dự án nào cũng muốn làm nhưng khi bắt tay vào làm thì thiếu sự bền bỉ, dễ thấy khó và thậm chí mới bị khách hàng la có một câu thôi là đã bật khóc.

Theo bà, lý do là độ tuổi Gen Z sinh ra trong một thời đại đầy đủ vật chất hơn các thế hệ trước, ít được va chạm và trải nghiệm.

“Tôi mong các bạn hãy cố gắng dấn thân và trải nghiệm, hãy biến tất cả những gì mình nghĩ trong đầu thành hành động, kế hoạch thực sự chứ đừng mong chờ nó tự tới.

Các bạn đừng lo lắng vì mình đang là sinh viên hay chỉ mới ra trường mà quan trọng nhất là các bạn phải có thái độ, cụ thể là nói, suy nghĩ và hành động phải gắn kết với nhau. Các bạn hiện nay rất giỏi, năng động và tự tin nhưng đừng tự cao, phải biết khiêm tốn, biết mình biết ta thì sẽ có giá trị trong mắt nhà tuyển dụng” – TS Kha nhắn nhủ.

Các chuyên gia, nhà tuyển dụng chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: P.A

Các chuyên gia, nhà tuyển dụng chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: P.A

Còn ở góc độ là giám đốc điều hành của một doanh nghiệp lớn, ông Hoàng Văn Minh cho biết những khó khăn về kinh tế hiện nay chỉ là tạm thời. Các nhà tuyển dụng vẫn có cái nhìn lạc quan về việc mở rộng quy mô hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự vẫn rất lớn. Chẳng hạn, doanh nghiệp của ông mỗi tháng hiện đang cần tuyển khoảng 200 vị trí.

Do đó, ông khuyên sinh viên đừng lo lắng sẽ không có việc làm. Quan trọng là các bạn đã sẵn sàng bước vào thị trường lao động, sẵn sàng làm việc hay chưa.

Chia sẻ thêm với sinh viên về vấn đề này, ông Ngô Cao Hoài Linh, Giám Đốc Trung tâm phát triển năng lực sinh viên của một trường ĐH tại TP.HCM thừa nhận rằng sinh viên hiện nay bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần rất nhiều từ những khó khăn, biến động của kinh tế, xã hội, sự đào thải nhân sự khốc liệt, tình hình tuyển dụng, tuyển sinh, thay đổi hình thức đào tạo…

Tuy nhiên, theo ông Linh, sinh viên cần phải biết hi vọng và cố gắng hơn. Các em cần thích ứng và mở rộng thêm hình thức học tập ngoài lớp học với thầy cô, đó là học từ những người có kinh nghiệm, lắng nghe nhà tuyển dụng và tìm hiểu thị trường thực tế.

Bên cạnh đó, ông Linh mong rằng các nhà tuyển dụng không chỉ tham gia tuyển dụng khi sinh viên ra trường mà cần cùng với các trường ĐH-CĐ tham gia trong cả quá trình đào tạo để từ đó phát hiện, bồi dưỡng ứng viên phù hợp.

Qúy II năm 2023, TP.HCM sẽ cần 67.000 đến 73.000 chỗ làm việc mới

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết trong quý 1 năm 2023, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho hơn 69.654 người, đạt gần 27% kế hoạch năm và tạo ra hơn 35.575 chỗ làm việc mới.

Trong đó, ngành kinh doanh thương mại có nhu cầu tìm việc cao nhất với gần 13%, kế đến là hành chính văn phòng biên phiên dịch, nhân sự, kế toán kiểm toán, quản lý điều hành…

Một số lĩnh vực gặp khó khăn như may mặc giày da, chế biến gỗ, bất động sản xây dựng, du lịch nhà hàng khách sạn, vận tải kho bãi, công nghệ ô tô và công nghệ phụ trợ…

Dự báo trong quý 2 năm 2023, TP.HCM sẽ cần 67.000 đến 73.000 chỗ làm việc mới. Trong đó, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,92%.

Cụ thể, trình độ ĐH trở lên chiếm 20,17% cao đẳng chiếm gần 19%, và trình độ trung cấp 20,43%, lao động chưa qua đào tạo lao động phổ thông chiếm 13,08%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm