Bất động sản có phải là ngành không cần học cũng làm việc được?

(PLO)- Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh trường THPT Gia Định, TP.HCM, nhiều học sinh đã thể hiện sự quan tâm đến nhiều nhóm ngành đang hot hiện nay, như bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-1, ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023 đã khai mạc tại Trường THPT Gia Định, TP.HCM. Chương trình do Sở GD&ĐT TP.HCM, Tạp chí giáo dục TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm phát triển GD&ĐT phía Nam – Bộ GD&ĐT tổ chức.

Tại đây, các chuyên gia và đại diện các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM đã chia sẻ cụ thể những điểm mới về tuyển sinh năm 2023 và lưu ý, lời khuyên cho các học sinh khi chọn nghề. Trong đó, các vấn đề về chọn ngành, chọn nghề thu hút nhiều sự quan tâm của các học sinh, nhất là khối lớp 12.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Gia Định, TP.HCM thu hút sự chú ý lắng nghe của đông học sinh, nhất là khối 12. Ảnh: PA

Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Gia Định, TP.HCM thu hút sự chú ý lắng nghe của đông học sinh, nhất là khối 12. Ảnh: PA

Đặc biệt, nhiều em đã thể hiện sự quan tâm đến nhiều nhóm ngành đang hot hiện nay, như công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, logistics, bất động sản…

Đáng chú ý, một học sinh đã đặt câu hỏi về ngành bất động sản: "Em thấy xung quanh em có nhiều người, cả cô, dì, chú, bác của em đều làm việc về bất động sản rất dễ dàng, có người thu nhập cao. Vậy đây có phải là ngành mà không cần phải học cũng làm việc được không ạ?".

Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Gia Định "sốt' với câu hỏi về bất động sản. Ảnh: PA

Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Gia Định "sốt' với câu hỏi về bất động sản. Ảnh: PA

Trả lời về nội dung này, đại diện cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM, cho rằng hơn 80% học sinh ở đây đều hiểu rằng học bất động sản là để đi bán đất, điều đó là không đúng.

Thực chất, công việc này chỉ là một phần còn khi học về ngành bất động sản, các bạn sẽ được học các chuyên ngành như đầu tư và phát triển bất động sản, kinh doanh và dịch vụ bất động sản. Mỗi chuyên ngành, các em sẽ được học chuyên sâu về bất động sản để hiểu sau này sẽ làm gì, có cần đầu tư bất động sản hay không…

Ở góc độ là chuyên gia dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho hay ngành bất động sản hay bất kỳ ngành nghề nào nếu học sơ sơ cũng có thể làm việc được, thậm chí có người trở nên giàu có.

Ví dụ rõ nhất là nhiều em học đại học, ra trường chạy grab mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 đồng. Thậm chí, có người chỉ lấy vợ lấy chồng để được nuôi thì vẫn có tiền. Hay như nhiều người có của cải cha mẹ để lại cũng có thể đứng ra mua bán bất động sản, khi đó có thể giàu lên nếu được giá nhưng cũng có thể tiêu tan hết tài sản…

Qua đó, ông Trần Anh Tuấn lưu ý các em hay bất kỳ ai cũng có quyền lựa chọn bất kỳ nghề nghiệp nào để làm. Tuy nhiên, quan trọng là mỗi người phải nhìn thấy thị trường lao động trong tương lai. Khi đó, tất cả ngành nghề đều chuyển đổi mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, những ngành nào không phù hợp sẽ bị triệt tiêu.

Ông Trần Anh Tuấn trả lời thắc mắc của các em học sinh. Ảnh: PA

Ông Trần Anh Tuấn trả lời thắc mắc của các em học sinh. Ảnh: PA

"Các em là những học sinh giỏi không nên bàn những chuyện học sơ sơ, làm sơ sơ mà phải học thiệt, làm thiệt. Trong bối cảnh nghề nghiệp hiện nay, chúng ta không quan trọng chọn ĐH hay CĐ, không phải học nghề nào hơn mà mỗi ngành nghề đều có sự cạnh tranh nhân lực rất lớn vì đòi hỏi phải tích hợp kỹ năng, ngoại ngữ, công nghệ và kỷ luật mới có thể thành công.

Vì vậy, các em chọn nghề cần kỹ lưỡng và phải có quyết tâm theo đuổi chứ không phải lo hơn người này, thua người kia. Các em đừng hỏi ngành này làm việc ở đâu, ngành kia thu nhập bao nhiêu vì việc làm tốt đều nằm trong chính bàn tay, khối óc, con tim và hoài bão và mơ ước của chính mình” – ông Tuấn khuyên.

Cần chọn ngành nghề phù hợp sở thích, năng lực
Vừa qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng tổ chức ngày hội mở về tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ năm 2023 cho khoảng 10.000 học sinh, thầy cô giáo khối THPT.

Tại đây, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT) cho biết năm 2023, Bộ sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh nào mới. Điều này có nghĩa vẫn áp dụng quy chế và quy trình giống năm 2022, sự ổn định này giúp thí sinh yên tâm chuẩn bị tốt cho kỳ thi và tuyển sinh.

Theo bà Thủy, theo quy chế tuyển sinh 2022, các trường ĐH vẫn được tổ chức xét tuyển sớm. Thí sinh vẫn có thể được tham gia xét tuyển rất nhiều ngành khác nhau ở nhiều phương thức khác nhau tại các trường. Tuy nhiên, các em phải đăng ký lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành nhưng cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ ưu tiên nhất. Vì khi chạy lọc ảo, thí sinh chỉ trúng một nguyện vọng duy nhất và cao nhất.

Vì vậy theo bà Thủy, các em cần có kỹ năng số tốt để tham gia tất cả các khâu, giai đoạn tuyển sinh để có kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, các em cần tìm hiểu ngành, nghề kỹ lưỡng, không nên chọn quá nhiều nguyện vọng mà cần chọn ngành nào phù hợp năng lực, sở thích của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm