Cổ phiếu mất 30%, Credit Suisse vay chính phủ 54 tỉ USD chặn rủi ro

(PLO)- Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) sẽ vay gần 54 tỉ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng cường khả năng thanh khoản, nhằm ngăn chặn rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho biết sẽ vay tới 50 tỉ franc Thụy Sĩ (tương đương 53,7 tỉ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng cường khả năng thanh khoản, theo đài CNN.

Đề nghị hỗ trợ do chính Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ chủ động đề nghị trước đó vài giờ, nhằm ngăn chặn rủi ro với Credit Suisse. Credit Suisse đã nhanh chóng nhận lời đề nghị, với hy vọng trấn an các nhà đầu tư rằng ngân hàng vẫn có đủ tiền mặt cần thiết để duy trì hoạt động.

“Thanh khoản bổ sung này sẽ hỗ trợ các khách hàng và doanh nghiệp cốt lõi của Credit Suisse, trong khi Credit Suisse thực hiện các bước cần thiết để tạo ra một ngân hàng đơn giản và tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng” - Credit Suisse thông báo.

Ngân hàng Credit Suisse sẽ vay tới 50 tỉ franc Thụy Sĩ (tương đương 53,7 tỉ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nhằm tăng cường khả năng thanh khoản. Ảnh: REUTERS

Ngân hàng Credit Suisse sẽ vay tới 50 tỉ franc Thụy Sĩ (tương đương 53,7 tỉ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nhằm tăng cường khả năng thanh khoản. Ảnh: REUTERS

Ngoài khoản vay từ ngân hàng trung ương, Credit Suisse cũng cho biết đã mua lại hàng tỉ USD nợ của chính mình để quản lý các khoản nợ và chi phí trả lãi. Khoản mua lại này bao gồm 2,5 tỉ USD trái phiếu đồng USD và 500 triệu euro (529 triệu USD) trái phiếu euro.

Trong một tuyên bố chung ngày 15-3, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sĩ FINMA xác nhận rằng Credit Suisse đáp ứng “các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn và thanh khoản” vốn được áp dụng với các ngân hàng có tầm quan trọng đối với hệ thống tài chính rộng lớn.

Các nhà chức trách tài chính Thụy Sĩ khẳng định rằng các vấn đề của “một số ngân hàng ở Mỹ không gây nguy cơ lây lan trực tiếp cho thị trường tài chính Thụy Sĩ”.

“Không có dấu hiệu nào cho thấy rủi ro lây lan trực tiếp đối với các tổ chức Thụy Sĩ do tình trạng hỗn loạn hiện nay trên thị trường ngân hàng Mỹ” – theo tuyên bố từ phía Thụy Sĩ.

Cổ đông không đầu tư thêm, giá cổ phiếu mất 30%

Động thái đề nghị vay từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và chấp nhận vay từ Credit Suisse diễn ra sau khi giá cổ phiếu ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ này mất tới 30% trong ngày 15-3.

Từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (Mỹ) và đặc biệt sau tuyên bố của Ngân hàng Quốc gia Saudi – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse – đầu ngày 15-3 rằng sẽ không tăng thêm cổ phần ở ngân hàng này, các nhà đầu tư đã thi nhau bán phá giá cổ phiếu Credit Suisse.

“Câu trả lời là hoàn toàn không, vì nhiều lý do. Tôi sẽ trích dẫn lý do đơn giản nhất, đó là quy định và luật định. Hiện chúng tôi sở hữu 9,8% cổ phần của ngân hàng – nếu chúng tôi vượt quá 10% thì sẽ phải thực hiện theo tất cả các quy tắc mới, cho dù là do cơ quan quản lý của chúng tôi, cơ quan quản lý châu Âu hay cơ quan quản lý Thụy Sĩ. Chúng tôi không có xu hướng tham gia vào một chế độ quản lý mới” – Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Ammar Al Khudairy trao đổi với hãng tin Bloomberg ngày 15-3.

Chứng khoán châu Á giảm mạnh vào đầu ngày 16-3 nhưng sau đó có tín hiệu hồi phục dần sau hành động vay thêm tiền của Credit Suisse.

Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở TP Basel, (Thụy Sĩ). Ảnh: BLOOMBERG/GETTY IMAGES

Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở TP Basel, (Thụy Sĩ). Ảnh: BLOOMBERG/GETTY IMAGES

Trong vài năm qua, danh tiếng Credit Suisse bị tổn hại với khách hàng và nhà đầu tư vì một loạt sai lầm trong hoạt động. Năm ngoái, khách hàng rút tổng cộng 123 tỉ franc Thụy Sĩ (133 tỉ USD) từ Credit Suisse - chủ yếu là trong quý IV. Trong năm này, Credit Suisse đã báo cáo khoản lỗ ròng hàng năm gần 7,3 tỉ franc Thụy Sĩ (7,9 tỉ USD), mức lỗ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Vào tháng 10-2022, Credit Suisse bắt tay vào một kế hoạch tái cơ cấu “triệt để”, cắt giảm 9.000 việc làm toàn thời gian, tách khỏi ngân hàng đầu tư và tập trung vào quản lý tài sản.

Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Ammar Al Khudairy cho biết ông hài lòng với việc tái cấu trúc, và đánh giá rằng Credit Suisse sẽ phải cần thêm tiền.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác. Nhà phân tích ngân hàng Johann Scholtz tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ Morningstar cho rằng Credit Suisse có thể không còn đủ vốn để bù lỗ vào năm 2023 vì chi phí trả cho người gửi tiền đang trở nên quá cao.

Ngày 14-3 Credit Suisse đã thừa nhận "điểm yếu quan trọng" trong báo cáo tài chính của mình và cắt tiền thưởng các giám đốc điều hành hàng đầu. Credit Suisse cho biết trong báo cáo thường niên rằng “kiểm soát nội bộ của tập đoàn đối với báo cáo tài chính không hiệu quả” do không xác định được đầy đủ các rủi ro tiềm ẩn đối với báo cáo tài chính. Credit Suisse đang khẩn trương xây dựng một “kế hoạch khắc phục hậu quả” để tăng cường kiểm soát.

Credit Suisse là vấn đề toàn cầu?

Credit Suisse được thành lập vào năm 1856, là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới và được xếp hạng là “ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống toàn cầu”, cùng với chỉ 30 ngân hàng khác, bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America và Bank of China.

Theo nhà kinh tế trưởng Andrew Kenningham về châu Âu tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (Anh), “Credit Suisse không chỉ là vấn đề của Thụy Sĩ mà là vấn đề toàn cầu”.

Với tài sản khoảng 530 tỉ franc Thụy Sĩ (573 tỉ USD), vấn đề tiềm ẩn của Credit Suisse lớn hơn nhiều những gì đang thể hiện.

“[Credit Suisse] được kết nối trên toàn cầu nhiều hơn, với nhiều công ty con bên ngoài Thụy Sĩ, bao gồm cả ở Mỹ” – ông Kenningham nêu thực tế. Trong ngày 15-3, giá cổ phiếu ngân hàng châu Âu khác, như BNP Paribas, Societe Generale (Pháp) Commerzbank và Deutsche Bank (Đức) giảm từ 8% đến 12%.

Giá cổ phiếu các ngân hàng Ý và Anh cũng sụt giảm.

Hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn quan chức giám sát ngành ngân hàng châu Âu cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên hệ với các ngân hàng trên để hỏi về liên hệ giữa các ngân hàng này với Credit Suisse. ECB từ chối bình luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm