Ngày 10-3, ngân hàng Silicon Valley (SVB) - chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là cho vay, cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tên tuổi - sụp đổ. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo trang web của ngân hàng này, SVB đã cung cấp dịch vụ ngân hàng cho gần một nửa số công ty công nghệ và y tế của Mỹ và cho hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm. Sự sụp đổ nhanh chóng của ngân hàng Silicon Valley gây ra làn sóng chấn động khắp ngành công nghệ, Phố Wall và Washington.
Chính phủ không giải cứu, nhưng đảm bảo không có "hiệu ứng domino"
Ngày 12-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ sẽ không giải cứu ngân hàng Silicon Valley nhưng đang nỗ lực để bảo vệ tiền gửi của khách hàng gửi vào ngân hàng này.
Trả lời phỏng vấn đài CBS, bà Yellen đã nói về một số bước tiếp theo của chính phủ để giải quyết khủng hoảng hiện tại. Bà cũng khẳng định việc ngân hàng Silicon Valley sụp đổ khác rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, lúc đó chính phủ phải cứu trợ các ngân hàng để bảo vệ ngành này.
Bà Yellen nói: “Chúng tôi sẽ không làm điều đó (giải cứu) một lần nữa… Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến người gửi tiền và chúng tôi tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ”.
Nhân viên ngân hàng Silicon Valley (trung tâm) nói chuyện với những người đứng bên ngoài chi nhánh ngân hàng này ở TP Santa Clara, bang California (Mỹ) hôm 10-3. Ảnh: AP |
Bà Yellen trấn an người Mỹ rằng sẽ không có hiệu ứng domino sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Bà khẳng định: “Hệ thống ngân hàng Mỹ thực sự an toàn, được vốn hóa tốt và hiện rất vững chắc!”.
Trong ngày 12-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và Chủ tịch Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) Martin Gruenberg ra tuyên bố chung khẳng định khách hàng của ngân hàng Silicon Valley sẽ có thể truy cập vào tất cả số tiền của họ bắt đầu từ ngày 13-3, theo trang tin OPB.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh những người gửi tiền vào ngân hàng Silicon Valley đang lo ngại vì bảo hiểm FDIC chỉ chi trả tối đa mức tiền gửi là 250.000 USD. Tuy nhiên, hơn 90% tiền gửi của ngân hàng vượt quá giới hạn này.
FED hành động
FED cũng cho biết cơ quan này đang thành lập Chương trình tài trợ có kỳ hạn của Ngân hàng (BTFB) nhằm bảo vệ các tổ chức bị ảnh hưởng do sự bất ổn của thị trường do việc ngân hàng Silicon Valley sụp đổ gây ra, theo đài CNBC.
Theo đó, FED sẽ cung cấp các khoản vay lên đến một năm cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, hiệp hội tín dụng và các tổ chức khác. Những bên được hưởng cơ chế này sẽ được yêu cầu cầm cố tài sản thế chấp chất lượng cao như trái phiếu kho bạc, nợ đại lý và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Thông báo của FED viết: “Động thái này sẽ tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc bảo vệ tiền gửi và đảm bảo việc cung cấp tiền và tín dụng liên tục cho nền kinh tế. FED đã sẵn sàng giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể phát sinh”.
Người dân tập trung bên ngoài chi nhánh ngân hàng Silicon Valley ở TP Santa Clara, bang California (Mỹ) hôm 10-3. Ảnh: AP |
Cùng với đó, FED cho biết sẽ nới lỏng các điều kiện của cơ chế chiết khấu, tức là sử dụng các điều kiện tương tự như BTFP. Tuy nhiên, cơ chế mới cung cấp các điều khoản thuận lợi hơn, với thời hạn cho vay dài hơn là một năm so với 90 ngày như trước đây. Ngoài ra, chứng khoán sẽ được định giá theo mệnh giá đã nêu hơn là giá trị thị trường được đánh giá tại cơ chế chiết khấu.
Bộ Tài chính đang cung cấp tới 25 tỉ USD từ Quỹ Ổn định Trao đổi (là quỹ dự trữ khẩn cấp của Bộ Tài chính Mỹ) như một biện pháp hỗ trợ cho mọi tổn thất tiềm tàng. Một quan chức cấp cao của FED đánh giá rằng chương trình của Bộ Tài chính có thể không cần thiết và sẽ chỉ tồn tại như một biện pháp bảo vệ.
Tuy nhiên, quan chức này tin tưởng rằng việc chính quyền đưa ra các động thái khác nhau sẽ củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính, mang lại sự đảm bảo tài chính và thanh khoản, vốn được coi là điều rất cần thiết trong các cuộc khủng hoảng tài chính.
Điều gì khiến ngân hàng Silicon Valley sụp đổ?
Theo đài CNN, ngân hàng Silicon Valley phá sản vì lý do kinh điển: khách hàng đồng loạt rút tiền, tháo chạy khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau phức tạp hơn, do tổng hòa nhiều yếu tố.
Đầu tiên là FED bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vào 1 năm trước. Lúc đó, từ hành động của FED, chi phí đi vay cao hơn và điều này đã làm giảm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn đang mang lại lợi nhuận cho ngân hàng Silicon Valley.
Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu dài hạn mà ngân hàng Silicon Valley và các ngân hàng khác đã thu lợi trong thời kỳ lãi suất cực thấp - gần như bằng không. Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỉ USD của ngân hàng Silicon Valley có lợi suất (bond portfolio) trung bình là 1,79%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ hiện tại là khoảng 3,9%.
Cùng lúc đó, vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, buộc các start-up phải rút tiền đang gửi tại ngân hàng Silicon Valley. Vì vậy, ngân hàng Silicon Valley đã lâm vào tình cảnh chịu lỗ trái phiếu và ngày càng có càng nhiều khách hàng rút tiền.
Nối gót ngân hàng Silicon Valley, tới ngân hàng Signature Bank sụp đổ
Sau khi ngân hàng Silicon Valley sụp đổ vào hôm 10-3, ngày 12-3, một ngân hàng khác - ngân hàng Signature Bank có trụ sở tại New York cũng đã sụp đổ. Ngân hàng này chuyên cung cấp dịch vụ cho các công ty tiền ảo, theo hãng tin Reuters.
Ngay trong ngày 12-3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng thông báo rằng tất cả những người gửi tiền của Signature Bank sẽ được thanh toán toàn bộ tiền gửi và sẽ không phải chịu tổn thất nào.
Các cơ quan quản lý ngân hàng New York đã chỉ định FDIC làm người nhận để xử lý tài sản của ngân hàng. Ngay sau đó, FDIC đã thành lập một ngân hàng kế thừa "cầu nối" với Signature Bank. Ngân hàng này sẽ cho phép khách hàng tiếp cận tiền gửi của mình vào ngày 13-3. FDIC cho biết những người gửi tiền và người đi vay của Signature Bank sẽ tự động trở thành khách hàng của ngân hàng “cầu nối” này.