Vụ 3 ngân hàng sụp đổ: Cách xử lý ấn tượng của Mỹ

(PLO)- Nổi lên từ vụ việc ba ngân hàng sụp đổ gần như cùng thời điểm ở Mỹ là cách xử lý ấn tượng, nhanh, hiệu quả của chính phủ nước này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, liên tiếp ba ngân hàng lớn của Mỹ là Silvergate, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) sụp đổ chỉ cách nhau vài ngày. SVB và SB đã bị các cơ quan quản lý tài chính Mỹ đóng cửa, Silvergate ra thông báo sớm dừng hoạt động mảng ngân hàng và hoàn trả toàn bộ tiền gửi cho khách hàng.

Đợt sụp đổ lần này là sự cố tài chính lớn thứ hai trong lịch sử ở Mỹ, sau vụ Ngân hàng Washington Mutual phá sản vào năm 2008. Nổi lên từ vụ việc ba ngân hàng sụp đổ gần như cùng thời điểm này là cách xử lý ấn tượng, nhanh, hiệu quả của chính phủ Mỹ.

Làn sóng rút tiền đã chậm lại

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 13-3, những người gửi tiền vội vã rút tiền tiết kiệm, trong khi đó các nhà đầu tư đã bán phá giá cổ phiếu ngân hàng trên diện rộng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Cổ phiếu của First Republic Bank thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 13-3 giảm hơn 60%, ngay cả sau khi ngân hàng cho biết họ đang nhận tài trợ khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và tiền bổ sung từ Ngân hàng JPMorgan Chase.

“Hãy để tôi nhắc lại rằng: Người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào” - Tổng thống Mỹ Joe Biden trấn an người dân ngày 13-3.

Các cổ phiếu của KeyCorp và Comerica giảm gần 1/3. Các cổ phiếu của các ngân hàng nổi tiếng như Charles Schwab, Fifth Third Bank, Truist và Huntington Bancshares đều giảm hai con số.

Tuy nhiên, đài CNN dẫn lời nhiều quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết hiện làn sóng người gửi cá nhân đi rút tiền tiết kiệm ra khỏi các ngân hàng vừa và nhỏ đã có dấu hiệu chậm lại. Các quan chức của Nhà Trắng và Bộ Tài chính đã dành cả ngày để liên lạc với các nhà quản lý và giám đốc điều hành ngân hàng, trong khi theo dõi chặt tác động tích cực từ các hành động xử lý khẩn cấp và kịch tính của chính phủ vào cuối tuần rồi.

Mặc dù cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ đã bị giảm giá trong suốt cả ngày 13-3 nhưng có một số ý kiến lạc quan, thận trọng rằng những nỗ lực của chính phủ đang có tác dụng khi các công ty ở Phố Wall - đáng chú ý nhất là Ngân hàng JPMorgan - đã mở ra các hạn mức tín dụng mới cho một số ngân hàng có rủi ro cao nhất. Nhiều ngân hàng nhỏ hơn, cũng được coi là có khả năng gặp rủi ro trong trường hợp lây lan, đã báo cáo các điều kiện ổn định.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại một chi nhánh của Ngân hàng Silicon Valley tại Mỹ ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại một chi nhánh của Ngân hàng Silicon Valley tại Mỹ ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Xử lý nhanh chóng, hiệu quả

Theo CNN, mặc dù các tín hiệu ban đầu này không có nghĩa là rủi ro đã biến mất nhưng cho thấy chiến lược của chính phủ đã có tác dụng.

Ngay sau khi các sự cố xảy ra, chính phủ liên bang chạy đua để trấn an người Mỹ rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn, sau khi các ngân hàng phá sản dẫn đến lo ngại rằng nhiều tổ chức tài chính có thể sụp đổ.

Các cơ quan quản lý đã đảm bảo tất cả khoản tiền gửi tại hai ngân hàng. Trong cả hai trường hợp ngân hàng Silicon Valley và Signature, chính phủ đã đồng ý chi trả các khoản tiền gửi, ngay cả những khoản tiền gửi vượt quá giới hạn được bảo hiểm của liên bang là 250.000 USD. Chính Tổng thống Joe Biden ngày 13-3 khẳng định rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn và người dân không phải lo về tiền gửi.

Ngoài ra, chính phủ cũng tạo ra một chương trình cứu cánh hiệu quả cho các ngân hàng nhỏ khác để bảo vệ các ngân hàng này khỏi tình trạng cạn kiệt tiền gửi.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ra chương trình cho phép các ngân hàng dùng một số chứng khoán chất lượng cao làm tài sản thế chấp và vay từ quỹ khẩn cấp của chính phủ. Bộ Tài chính đã dành ra 25 tỉ USD để bù đắp mọi khoản thiệt hại. Tuy nhiên, các quan chức của Fed cho biết khả năng không phải sử dụng số tiền đó, vì các chứng khoán được đưa làm tài sản thế chấp có rủi ro vỡ nợ rất thấp.

Các cơ quan quản lý quốc tế cũng phải vào cuộc để trấn an người gửi. Ngân hàng Anh và kho bạc Anh cho biết đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán một công ty con của Ngân hàng Silicon Valley ở London cho HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu. Thỏa thuận này đã bảo vệ 6,7 tỉ bảng Anh (8,1 tỉ USD) tiền gửi.•

Các ngân hàng không được giải cứu

Trong một diễn biến khác, Fed đã thông báo rằng họ sẽ đánh giá lại sự giám sát của mình đối với Ngân hàng Silicon Valley. Ông Michael Barr, Phó Chủ tịch giám sát của Fed, người sẽ lãnh đạo công việc này, cho biết “phải khiêm tốn và tiến hành đánh giá cẩn thận và kỹ lưỡng về cách giám sát và điều tiết ngân hàng này cũng như những gì nên học hỏi từ kinh nghiệm này”.

Mặc dù các bước mà nhà chức trách Mỹ thực hiện ngày 12-3 đánh dấu sự can thiệp sâu rộng nhất của chính phủ vào hệ thống ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các hành động này tương đối hạn chế về quy mô so với 15 năm trước. Bản thân các ngân hàng phá sản không được giải cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm