Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai.
Như vậy, cơ quan có trách nhiệm bồi thường chỉ phải xin lỗi, cải chính công khai sau khi người bị oan có yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn ba tháng kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực. Điều này cho thấy việc khôi phục danh dự cho người bị oan chưa được coi trọng, chưa được đưa lên hàng đầu. Luật định như vậy nên hiếm thấy cơ quan nào chủ động khôi phục danh dự cho người bị oan.
Chậm khôi phục danh dự cho người bị oan chừng nào càng gây bức xúc, oán thán cho người bị oan và gia đình của họ chừng ấy, dẫn đến khiếu kiện kéo dài không đáng có. Trên thực tế, gần đây có một vụ hiếm hoi là CQĐT, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận đã cùng xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén tại địa phương ngay sau khi có kết luận ông Nén bị oan mà không đợi có quyết định giải quyết bồi thường. Việc này đã phần nào giảm bớt nỗi đau của ông Nén và gia đình.
Theo tôi, quy định như LTNBTCNN hiện hành là hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Bởi lẽ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được tôn trọng, được Hiến pháp và các đạo luật bảo vệ. Đối với những vụ án oan, trách nhiệm khôi phục danh dự và các quyền lợi cho người bị oan là việc cần phải làm ngay với sự chân thành, cầu thị.
Vì vậy, LTNBTCNN cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện ngay việc xin lỗi, cải chính công khai, trừ trường hợp người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có văn bản không yêu cầu.