Chuyên gia khoa thần kinh đã chứng minh trầm uất là mối nguy hàng đầu trong giai đoạn mãn dục nam vì đa số nội tiết tố cần thiết cho chất lượng của cuộc sống, từ insulin để điều chỉnh đường huyết bước qua serotinin để có giấc ngủ yên bình cho đến endorphin cần thiết để lạc quan yêu đời, đều giảm sút trầm trọng nếu thiếu testosteron! Hậu quả là nhiều căn bệnh thừa cơ gõ cửa khi nạn nhân không còn “đích thực đàn ông”!
Lỗ nhỏ đắm thuyền như chơi
Có một điều chắc hơn đinh đóng cột cho cánh đàn ông từ tuổi 50. Đó là rất khó mỗi ngày chọn một niềm vui nếu thiếu testosteron. Điều đó cho thấy đàn ông cần nội tiết tố này không chỉ vì chuyện trăng sáng vườn chè mà còn vì năm bảy chuyện khác quan trọng không kém! Không cần thăm dò thống kê cũng biết không thiếu nam tử hán đang dở khóc dở cười vì vừa đặt lưng ngáy liền nhưng đến 1-2 giờ sáng bỗng bật dậy rồi thức trắng đến sáng. Một số vì hội chứng “thái đức”, số khác do vọp bẻ trong đêm. Lý do là vì rối loạn nhịp sinh học do thiếu testosteron trong giai đoạn mãn dục nam. Vì thiếu testosteron nên chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể vận hành rối loạn khiến não bộ ghi nhận đêm dài chỉ còn mấy tiếng đồng hồ! Hậu quả là nạn nhân thức quá sớm trước khi gà kịp gáy!
Nếu xem chuyện đó như chuyện nhỏ thì hố nặng. Đừng quên giấc ngủ là khoảng thời gian để cơ thể chủ động tổng hợp kháng thể, tái tạo huyết cầu, xử lý hậu quả của stress… Khỏi nói cũng thừa hiểu số đối tượng này có dùng thuốc an thần chỉ để cuối cùng lệ thuộc thuốc nếu không có cách nào bổ sung testosteron.
Mỗi lần mất ngủ là một lần sức đề kháng bị đục khoét. Nạn nhân sớm muộn cũng là ứng viên hàng đầu của “hội chứng hết pin”!
Thời này khó thành tiên!
Ai cũng hiểu ăn được ngủ được là tiên. Nhưng với cuộc sống căng thẳng của thế kỷ 21 rõ ràng là ảo vọng nếu đêm nào cũng mong ngủ ngon. Nhiều người đành chọn lối thoát qua ngõ thuốc ngủ để sáng hôm sau còn sức kéo doanh nghiệp qua ngõ hẹp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu chỉ nói riêng ở Đức, xứ có dân số tròm trèm với nước mình, theo thống kê vào cuối năm 2012 của các hãng bảo hiểm y tế bên đó, không dưới 15 triệu người đang trăn trở thâu đêm! Trong số đó ít nhất ba triệu người phải nuốt viên thuốc an thần nào đó mỗi đêm! Một con số khó ngờ vì cay đắng làm sao nhưng có thật! Con số “khách hàng thân thiết” ở xứ mình chắc chắn khó thấp hơn.
Một trong các hậu quả do lệ thuộc thuốc ngủ, bên cạnh triệu chứng run tay, đãng trí, lờ đờ, mệt mỏi, thay đổi cá tính lại chính là... mất ngủ! Tất nhiên không dễ chữa vì phải dùng thuốc mạnh hơn, nghĩa là độc hơn! Y sĩ đoàn ở nhiều nước châu Âu không vô cớ bỗng đồng loạt lên tiếng báo động về tai hại của thuốc ngủ. Họ hoàn toàn có lý vì kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc lạm dụng thuốc ngủ và nhồi máu cơ tim ở người còn trẻ, tai biến mạch máu não ở người chưa qua tuổi về hưu và đau đầu mãn tính ở người phải làm việc trí óc.
Giải pháp không quá xa tầm tay
Theo thầy thuốc thuộc trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ ở Stuttgart, lệ thuộc thuốc ngủ là một trong các lý do dẫn đến “hội chứng mệt mỏi kinh niên”. Họ vì thế đã không ngần ngại cảnh báo người dùng thuốc và ngay cả đồng nghiệp:
- Đừng dùng thuốc an thần lâu hơn ba tuần mà không truy tìm nguyên nhân gây mất ngủ.
- Giảm dần liều lượng cho đến khi ngưng thuốc, đừng quá nhanh nhưng phải ngưng thuốc cho bằng được.
- Thay thế thuốc hóa chất bằng thuốc dược thảo hay bằng liệu pháp khác càng sớm càng tốt. Nếu khả thi với liệu pháp không dùng thuốc (châm cứu, thiền định, dưỡng sinh…) càng hay.
Chuyên gia ở Stuttgart sở dĩ quả quyết như thế vì theo kết quả nghiên cứu, tình trạng mất ngủ được cải thiện không mấy khó nếu thầy thuốc chủ động, nếu bệnh nhân kiên nhẫn áp dụng hoạt chất kháng ôxy hóa, như chất màu anthocyanin trong rau quả để bảo vệ tế bào thần kinh, ổn định hàm lượng dưỡng khí bên trong tế bào như flavoinoides trong cây thuốc, trung hòa kích ứng gây mất ngủ với gaba rong gạo mầm… trong phác đồ điều trị.
Thuốc mạnh dễ thành thuốc… độc! Trái với dược phẩm dẫn xuất từ dược thảo, với thuốc hóa chất tổng hợp chỉ có tác dụng an thần hoặc mạnh, hoặc cực mạnh. Dưới tác dụng chẳng khác nào “gây mê” của thuốc an thần, não bộ bị ức chế tất cả chức năng tư duy. Do đó tuy ngủ được nhưng đầu óc càng lúc càng mù mờ. Thêm vào đó, vì hệ tuần hoàn hoạt động ở mức tối thiểu nên người dùng thuốc bần thần khi thức dậy vì tế bào thiếu dưỡng khí, đặc biệt là tế bào nhạy cảm như tế bào thần kinh trung ương. Hậu quả là người dùng thuốc thậm chí sau thời gian vài tuần đã đủ để khó tránh vừa trầm uất vừa mất ngủ, nghĩa là gậy ông đập lưng ông. Theo kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ, người dùng thuốc an thần kéo dài hơn ba tháng dễ bị: - Lo sợ vô cớ và mất ngủ dưới dạng thức quá sớm và thức luôn đến sáng. - Nín thở trong khi ngủ khiến thiếu máu đột ngột trong não và trên thành tim. - Phân liệt cá tính dưới dạng hoang tưởng và khuynh hướng tự tử. |