Về việc xuất hiện 189 tên cá nhân, 185 địa chỉ của Việt Nam nằm trong danh sách hồ sơ Panama, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, thông tin mà hồ sơ Panama mới chỉ là thông tin một chiều.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, cho rằng hồ sơ Panama chỉ là nguồn tin để tham khảo về trốn thuế, rửa tiền. Ảnh: Đặng Trung
"Sau khi Hồ sơ Panama công bố, chúng tôi xem đó là một nguồn để tham khảo thông tin mà thôi, chưa có căn cứ để nói rằng có tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế hay không. Hơn nữa cũng không phải nguồn tin chính thống nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin. Việc có tên trong “Hồ sơ Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái" - ông Đạt nói.
Trả lời câu hỏi cơ quan chức năng của Việt Nam có làm rõ và công bố các thông tin liên quan đến cá nhân, đơn vị trong hồ sơ Panama hay không, ông Đạt cho rằng căn cứ vào diễn biến thông tin cụ thể sẽ xem xét báo cáo lên cấp trên. “Trong trường hợp nếu có các căn cứ, Trung ương và Chính phủ có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế về phòng, chống tham nhũng để xác minh, làm rõ” - ông Đạt khẳng định.
Công ty luật Mossack Fonseca đã giúp khách hàng lập ra hàng trăm ngàn công ty tại những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế quần đảo British Virgin. Ảnh: Reuters.
Hồ sơ Panama là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca (Panama).
Báo cáo của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp khách hàng lập ra hàng trăm ngàn công ty tại những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, như quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, quần đảo Seychelles và Bermuda.
Liên quan đến thông tin Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố cho thấy có 214.000 công ty nước ngoài được thiết lập từ 21 quốc gia khác nhau có tên trong loạt danh sách liên quan đến hồ sơ Panama.