Mới đây, Công ty CP đầu tư TCP (gọi tắt là công ty TCP) đã thông báo phương thức vận hành và giá dịch vụ dành cho xe kinh doanh vận tải tại nhà để xe ga quốc nội Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất). Thời gian áp dụng từ ngày 1-4-2023.
Bỏ thuê bãi đậu, tính phí theo lượt, tăng lũy tiến
Theo đó, TCP thông báo sẽ dừng các hợp đồng thuê vị trí đậu xe tại bãi đậu xe ô tô ngoài trời.
Thay vào đó, TCP sẽ sắp xếp số lượng vị trí đậu xe căn cứ vào danh sách xe đăng ký kinh doanh vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất của các hãng xe taxi.
Thay vì đậu xe theo tháng, nay nhà xe TCP thu phí theo lượt. Ảnh: ĐÀO TRANG. |
Cụ thể, các xe taxi vào nhà để xe qua Trạm 1 phải dừng lại lấy thẻ kiểm soát và ra khỏi nhà để xe qua Trạm 3 để vào làn C đón khách. Giá dịch vụ là 5.000 đồng/lượt (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Trường hợp xe taxi vào đón khách tại làn D trong nhà để xe thì giá dịch vụ là 15.000 đồng/lượt (giá đã bao gồm thuế GTGT), áp dụng trong 30 phút đầu tiên. Thời gian đậu xe trên 30 phút sẽ được tính giá dịch vụ cho thời gian đậu tiếp theo, theo bảng giá dịch vụ hiện hành của nhà để xe.
Một hãng lớn có thể mất đến 900 triệu đồng/tháng
Trước thực trạng trên, đại diện Hiệp hội taxi TP.HCM kiến nghị TCP giữ nguyên phương án bãi đệm đậu xe taxi ngoài trời nhà để xe TCP như hiện tại.
Theo phương án mới đưa ra, các hãng taxi sẽ phải trả phí theo lượt xe. Bên cạnh đó phải thực hiện các thủ tục nhận thẻ, kiểm soát thẻ.... mất rất nhiều thời gian mỗi khi vào sân bay đón khách.
Không chỉ vậy, việc thu phí theo lượt xe như trên làm tăng chi phí quá cao so với hợp đồng thuê vị trí đậu xe như hiện tại. Từ đó, gây khó khăn cho các hãng taxi phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ước tính, hãng Vinasun phải trả tới 900 triệu/tháng nếu áp dụng phương thức thu phí mới. Ảnh: ĐÀO TRANG. |
Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết mục đích của việc đưa taxi vào sân bay là để phục vụ khách, góp phần giải phóng lượng hành khách càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, phương án mới của TCP đưa ra không phù hợp. Từ đó, các hãng sẽ hạn chế số lượng xe đưa vào sân bay để giảm chi phí.
Lúc này, số lượng xe sẽ không đủ để phục vụ khách trong các khung giờ cao điểm và các dịp lễ, tết... Mặt khác, việc xếp hàng trả thẻ sẽ làm tăng khả năng ùn ứ vào các giờ cao điểm.
Trao đổi với PLO, Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết một chuyến xe di chuyển từ sân bay về trung tâm TP có cước phí dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Tuy nhiên, nếu đi theo lộ trình mà TCP đưa ra thì hành khách sẽ phải trả 10.000 đồng vé vào sân bay và 5.000 đồng cước phí.
Như vậy hành khách phải trả 15.000 đồng cho cuốc xe này, ước tính bằng 15% giá cước 100.000 đồng và tương đương 30% nếu giá cước 50.000 đồng.
Mặt khác, nếu taxi đi qua làn D của nhà xe TCP, hành khách sẽ phải trả 10.000 đồng vé vào sân bay và 15.000 đồng phí đậu xe. Như vậy, hành khách sẽ phải trả phí lên tới 25% nếu giá cước 100.000 đồng, tương đương 50% nếu thu cước 50.000 đồng.
"Nếu nhà xe TCP cố tình áp dụng việc thu phí theo mức mới như trên, chúng tôi không thể bảo đảm cam kết về số lượng xe taxi vào sân bay đón khách như chỉ đạo của Sở GTVT ”- đại diện Hiệp Hội taxi TP.HCM cho biết.
So sánh về sự khác biệt giữa việc thu phí theo bãi đậu và theo lượt, đại diện hãng taxi Vinasun cho biết hiện nay hãng này đang có 7 bãi đệm, mỗi bãi 1,7 triệu đồng/tháng, tổng cộng 11,9 triệu/tháng.
Nếu theo cách tính mới, hãng sẽ có thể phải trả tới 300 triệu đồng/tháng nếu bình quân một ngày có 2.000 lượt xe vào sân bay. Trường hợp taxi chạy vào làn D thì hãng này sẽ phải trả tới 900 triệu đồng/tháng.
"Với mức phí tăng cao như vậy thì hãng phải tính toán lại việc tăng giá cước nhưng việc một hãng taxi muốn tăng giá cước cũng không hề đơn giản bởi đây là cước cố định.
Mặt khác, nếu tăng cước phí này vào chi phí di chuyển cho hành khách thì sẽ mất khách. Đồng thời, tài xế taxi sẽ cân nhắc có nên vào sân bay để đón khách hay không. Vì vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên phương án cũ" - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết.
Từ năm 2020, các hãng xe công nghệ vào sân bay Tân Sơn Nhất đón khách phải trả 25.000 đồng phí. Tuy nhiên, cước phí này đều được hành khách trả. Thời điểm đó, hành khách đi xe công nghệ bức xúc vì phải trả cước phí di chuyển quá cao.