Sáng 24-2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã có nhiều góp ý cho chính sách thu hút đội ngũ trí thức trong bối cảnh hiện nay.
Hội thảo diễn ra sáng 24-2. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cần sự thay đổi lớn về thủ tục hành chính
PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói khi soi lại thực tế triển khai trong suốt 15 năm qua về chính sách thu hút trí thức sẽ thấy có độ chênh giữa nghị quyết, nhận thức và thực tiễn.
“Năm 2023 khác với thời điểm 2008. Đây là thời đại của công nghệ 4.0, của công nghệ số, của thời đại trí tuệ nhân tạo. Nếu chúng ta không đẩy mạnh khoa học công nghệ và phát triển đội ngũ chuyên gia thì khó lòng phát triển đất nước trong tình hình hiện nay” - PGS.TS Phan Thanh Bình chia sẻ.
PGS.TS Phan Thanh Bình nói cần nghiên cứu cơ chế "sandbox" trong chính sách mới. Ảnh: THANH TUYỀN |
Dưới góc độ cá nhân, PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức hiện vẫn chưa sâu.
Theo ông, cần xác định rõ đội ngũ trí thức có vị trí quan trọng đối với sự phát triển khoa học công nghệ và của đất nước. Đặc biệt, đội ngũ này có uy tín của người trí thức, họ có khả năng tập hợp, hiệu triệu, huy động sức mạnh xã hội xã hội.
“Họ cũng là người nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình với xã hội, họ sẽ có nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển đất nước” - ông nói.
Qua khảo sát của chính bản thân, PGS.TS Phan Thanh Bình nói trí thức rất cần một môi trường làm việc dân chủ, là nơi họ có thể thoải mái sáng tạo, đề đạt ý kiến của mình.
Kế đến, trí thức rất quan tâm đến khả năng phát triển cá nhân về mặt chuyên môn, kĩ năng; chế độ, chính sách đãi ngộ. Cuối cùng là thu nhập và tương lai của cả gia đình họ khi tham gia nghiên cứu. Vì vậy, chính sách này cần phải sâu, đi vào cụ thể từng đối tượng chứ không thể chung chung.
Cấp Trung ương đến đến địa phương, bộ ngành đến cơ sở, địa phương cũng cần nhận thức lại đối với vai trò của đội ngũ trí thức, đối xử với họ tốt hơn.
“Nếu như trong hệ thống chính quyền, có lúc trên nói dưới phải nghe nhưng với trí thức thì họ cần sự trao đổi, thuyết phục lẫn nhau. Chúng ta cần tạo sự dân chủ trong môi trường giáo dục, phải nhìn vào thực tế” - PGS.TS Phan Thanh Bình nêu ý kiến và nhấn mạnh cần xây dựng thể chế, pháp lý cụ thể, sâu sát hơn với cả đội ngũ trong và ngoài nước.
Điều trước tiên, ông nói phải có sự thay đổi rõ rệt về mặt thủ tục hành chính.
Ông đơn cử câu chuyện một kiều bào là Giáo sư (GS) đã về Việt Nam, làm việc và cống hiến cho ĐH Quốc gia TP.HCM trên 15 năm. Dù vậy, vị GS này phải mất 1,5 năm để xin giấy phép lao động mới, trải qua ba lần làm thủ tục. Vị GS này phải đi, về trong và ngoài nước liên tục để duy trì hoạt động nghiên cứu trong nước.
PGS.TS Phan Thanh Bình cũng cho rằng, cần mạnh dạn nghiên cứu đề xuất của các chuyên gia về việc hình thành cơ chế “sandbox”- cơ chế thử nghiệm chính sách có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Theo ông, chính sách phải thể hiện sự dám làm, dám đổi mới, tạo cơ chế mới thì mới mong thu hút được trí thức.
Sẽ đưa cơ chế “sandbox" trình Thủ tướng xem xét
Về đề xuất triển khai cơ chế “sandbox”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung vào đề án để trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt.
“Nếu thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ kiến nghị Chính phủ phê duyệt, nếu phạm vi gắn với các luật cần sửa đổi cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - ông Đạt nói và cho hay hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ thực hiện xây dựng cơ chế chính sách cho việc hình thành các doanh nghiệp trong các trường, viện.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết sẽ tiếp thu đề xuất đưa cơ chế "sandbox" đề án để trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: THANH TUYỀN |
Bộ trưởng Bộ KH&CN nhìn nhận thực tế, đội ngũ trí thức trong khối tư nhân và khu vực công có điều kiện hoạt động cũng rất khác nhau. Trong quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tốt hơn nhiều so với khu vực nhà nước.
Ông Đạt cho hay, thực tế cho thấy, một số lượng lớn trí thức ngành KHCN rời khu vực công sang làm việc tại doanh nghiệp tư nhân. Đây là khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước. Nhìn ở góc độ tích cực thì đây là tín hiệu tốt, nâng cao điều kiện đãi ngộ cho đội ngũ trí thức.
“Nếu không có kế hoạch quy hoạch và chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân các nhà khoa học trong các tổ chức công lập, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thì sẽ mất cân đối chung trong việc phát triển đội ngũ trí thức KHCN của đất nước”- Bộ trưởng Bộ KH&CN nói.
Ngoài ra, sau nhiều năm xây dựng chính sách nhằm nâng cao điều kiện đãi ngộ nhưng việc triển khai thực tiễn còn nhiều khó khăn do thiếu sự đồng bộ của pháp luật, nhiều chính sách cũng không còn sự hấp dẫn.
Ông Đạt cho hay Bộ KH&CN cùng các đơn vị liên quan đang tích cực nghiên cứu xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030. Cùng đó, xây dựng quy hoạch mạng lưới các tổ chức KHCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nêu ý kiến tại hội thảo, GS.TS Võ Văn Tới, ĐH Quốc tế TP.HCM hiến kế việc thử nghiệm một cơ chế "ốc đảo" thí điểm. Một khu vực, đơn vị có thể được xem như một "ốc đảo" để có thể triển khai thí điểm các chính sách mới về khoa học, công nghệ.
Ở "ốc đảo" này, các trí thức sẽ được tập hợp. Họ được giao quyền tự do nhiều hơn trong hoạt động khoa học công nghệ, miễn là không xâm phạm đến lợi ích quốc gia.
Ông dẫn chứng cách mà đội ngũ của ông thu hút chuyên gia theo cơ chế này. “Chúng tôi sắm cho họ những thiết bị tối thiểu cho việc nghiên cứu, tuyển kỹ thuật viên, thu hút sinh viên cho họ. Thậm chí, tôi đi vay tiền để mua thiết bị cho họ. Khi họ có ý tưởng thì để họ tự do phát triển. Khi có người trình bày ý tưởng, chúng tôi tìm điểm chung, gợi mở những hướng phát triển mới”- GS.TS Võ Văn Tới cho hay.
Theo GS.TS Tới, cần “hút” những người có chung đường hướng về làm việc cùng nhau, lâu ngày thì “cái cây sẽ càng lớn, cành lá ngày càng sum suê”. Đồng thời, việc nghiên cứu chính sách cũng cần tính đến cơ chế để đưa các sản phẩm ra thị trường để tiêu thụ.