Các lý do khiến TP.HCM chưa thu hút nhân tài, chuyên gia

(PLO)- TS Trần Du Lịch cho rằng việc đầu tiên TP.HCM cần phải làm là xây dựng cơ chế mà ở đó, guồng máy hành chính có thể hấp thụ tri thức của các nhà chuyên gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở KH&CN TP.HCM cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP vừa hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia đề xuất cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia cùng TP trong tư vấn xây dựng và phản biện chính sách.

Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết thời gian qua TP đã thực hiện nhiều hình thức kêu gọi đóng góp, hiến kế từ các đội ngũ chuyên gia nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.

"Dường như TP đang thiếu đầu mối đóng vai trò nhạc trưởng để kết nối các viện nghiên cứu, các trường lại với nhau"- ông Dũng nói.

thu hút người tài cho tp.hcm
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết hiệu quả công tác mời gọi chuyên gia chưa như mong muốn. Ảnh: THANH TUYỀN

Nghẽn cơ chế hấp thụ tri thức

Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính đặt vấn đề: Phải chăng cơ chế hấp thụ tri thức nghẽn như cơ chế hấp thụ vốn hiện nay? Bởi trước thực tế một TP năng động, hội tụ nhiều tiềm năng phát triển như TP.HCM nhưng vẫn thiếu chuyên gia, thiếu người.

TS Lịch nói, qua nhiều năm làm việc với vai trò chuyên gia, được TP tin tưởng giao vai trò tập hợp các chuyên gia ở một số lĩnh vực, ông nhận thấy những gì chuyên gia góp ý, đề xuất thì “không có ai nghe”.

“Nhiều chuyên gia có ý tưởng phát triển tốt nhưng không ai trả lời là được hay không được dù họ rất tâm huyết với cái họ nghiên cứu… Cái làm chuyên gia nản là ý tưởng tốt nhưng không đưa được vào cuộc sống, không thể nào hấp thụ được”- TS Trần Du Lịch nói.

thu hút người tài cho tp.hcm

TS Trần Du Lịch cho rằng, việc đầu tiên cần phải làm là xây dựng cơ chế hấp thụ tri thức của chuyên gia khoa học. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế- Luật TP.HCM chia sẻ các khía cạnh vấn đề từ thực tế bản thân. Bà từng làm việc, tư vấn cho các dự án của nhiều quốc gia khác nhau, họ có chính sách đãi ngộ rất tốt.

“Tôi quay lại tự hỏi, tại sao mình cũng làm vấn đề này cho Việt Nam nhưng không được tôn trọng, không được đãi ngộ bằng” - GS.TS Nguyễn Thị Cành chia sẻ.

Nữ chuyên gia này cho rằng, 20-30 năm trước, TP đã từng có nhiều ý tưởng để thu hút, mời gọi, cũng xây dựng được đội ngũ chuyên gia trong nước và cả nước ngoài. Thời điểm đó, dù chế độ đãi ngộ, kinh phí không nhiều nhưng các chuyên gia rất tích cực đóng góp.

thu hút người tài cho tp.hcm

GS.TS Nguyễn Thị Cành cho rằng, thủ tục thanh toán kinh phí nghiên cứu khoa học theo Thông tư 55/2015 còn rất rườm rà. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong bối cảnh mới như hiện nay, GS.TS Nguyễn Thị Cành nhìn nhận cần đặt câu hỏi rõ ràng: “TP.HCM khai thác cái gì đây để phát triển?”.

GS.TS Nguyễn Thị Cành còn góp ý, cần xem lại cách thức tổ chức, phân bổ kinh phí bởi hiện nay thủ tục thanh toán kinh phí nghiên cứu khoa học theo Thông tư 55/2015 còn rất rườm rà, phức tạp, chuyên gia vẫn phải làm hạch toán nên khó thu hút.

“ĐHQG TP.HCM đã áp dụng khoán theo bài báo khoa học. Chuyên gia thực hiện xong là được thanh toán tiền một cách nhanh chóng. Tại sao TP mình không theo cách thức đó” - GS.TS Nguyễn Thị Cành băn khoăn.

Cần cơ chế mở để mời gọi chuyên gia

Theo TS Trần Du Lịch, việc đầu tiên cần làm là xây dựng cơ chế mà ở đó guồng máy hành chính có thể hấp thụ tri thức của chuyên gia khoa học.

TS Trần Du Lịch cũng đề nghị Sở KH&CN TP.HCM cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp, tập hợp chuyên gia cùng xây dựng đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học.

Đề án này tập trung vào ba nội dung chính, gồm: Đánh giá toàn bộ tiềm năng của chuyên gia tại TP.HCM và cả khả năng của chuyên gia nước ngoài; những vướng mắc, tồn tại trong việc hấp thụ nguồn tri thức đó; cơ chế thu hút và đặc biệt là phải làm rõ TP này cần đột phá về cái gì, về cơ chế chính sách gì.

Dựa trên ba nội dung đó của đề án xây dựng quy định về cơ chế chính sách, có sự đầu tư chỉnh chu cho đề án này.

thu hút người tài cho tp.hcm

GS.TS Phan Xuân Biên nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

PGS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM góp ý kiến, TP cần có cơ chế về tài chính đối với các chuyên gia, trong đó cần thiết lập hợp đồng với chuyên gia.

“Chuyên gia phải được đãi ngộ, trân trọng và được sử dụng tốt, đồng thời việc góp ý phát triển phải có tính dài hạn” - ông Cương nói và cho rằng cần có cơ chế tài chính mở, thông thoáng đối với khoa học bởi lĩnh vực này thường mang yếu tố rủi ro, mạo hiểm.

PGS.TS Võ Kim Cương dẫn chứng, các nước trên thế giới thuê chuyên gia theo công việc. Công việc đó đáng giá bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu. Mỗi ngày làm việc, chuyên gia có thể được trả cả chục ngàn USD.

Theo GS.TS Phan Xuân Biên, đội ngũ trí thức cần nhất là môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc và đội ngũ cộng sự làm việc. Trong khi đó, cơ chế của TP hiện nay chưa đáp ứng.

“Muốn thu hút, Sở KH&CN, Hội đồng khoa học của TP, Viện Nghiên cứu phát triển cùng ĐHQG TP.HCM cũng như các trường phải nắm được những người đầu ngành, chuyên gia từng ngành. Cùng với đó, tập hợp một số trí thức vào một số mảng và hình thành các chương trình khoa học của TP” - GS. TS Cao Xuân Biên đề nghị.

TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cũng đồng ý việc cần có cơ chế tài chính tương xứng, rõ ràng, công khai, sòng phẳng với các chuyên gia; đồng thời phải hướng đến việc mời gọi các chuyên gia trẻ tuổi.

Cần quy chế thông tin cho chuyên gia

Nhiều chuyên gia tham dự hội nghị cùng nêu ý kiến, chuyên gia không có nhiều nguồn để tiếp cận thông tin và đề xuất xây dựng quy chế thông tin, cung cấp thông tin cho chuyên gia.

GS.TS Nguyễn Thị Cành cho rằng khi xây dựng chương trình nghiên cứu thì phải có dữ liệu thông tin, có sự chia sẻ, bảo mật như thế nào vì có thông tin có thể công bố, có thông tin cần bảo mật.

“Bây giờ muốn nhận xét thông tin mà phải gọi ông này, ông kia để đi tìm nhưng có rõ về mặt pháp lý, có chính thức hay không?” - GS.TS Cành nói.

thu hút người tài cho tp.hcm

TS Nguyễn Thị Hậu góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

TS Nguyễn Thị Hậu nói, Sở KH&CN có trung tâm thông tin của Sở, Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng có thư viện riêng. Đây là hai nơi có thể thu thập, cung cấp thông tin mới cho chuyên gia rất dồi dào, về các chính sách mới.

“Lượng thông tin về đây rồi nhưng cách đưa thông tin đến chuyên gia hiện cũng hạn chế” - bà đánh giá và cho rằng thư viện của Viện nghiên cứu phát triển hiện nay không phát huy hết được khả năng, càng ngày càng “teo tóp”.

“Sách của Viện nghiên cứu phát triển xã hội, Viện nghiên cứu kinh tế, sách của Việt kiều tặng nữa, đều có ở thư viện này nhưng không thể phát huy được” - TS Hậu nói và cho rằng, rõ ràng đã có bộ máy để lưu trữ thông tin nhưng không thể phát huy thì cần phải ngẫm nghĩ lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm