Chiều 10-10, Học viện Cán bộ TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP thời gian qua, định hướng trong thời gian tới.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN |
Không thể yêu cầu chuyên gia nộp đơn, thi tuyển
Tại hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng đánh giá, TP.HCM đã làm rất nhiều việc để thu hút chuyên gia nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Theo ông Dũng, với quy trình hiện nay, phải mất một năm mới có thể tuyển được người.
“Chúng ta thu hút chuyên gia vào nhưng dường như quên những chuyên gia đang làm việc tại chỗ. Nhiều chuyên gia là tiến sĩ đi học ở nước ngoài về cuối cùng bỏ đi vì mức thu nhập mỗi tháng 5-6 triệu” - ông Dũng nói.
Cạnh đó, vấn đề đặt hàng của TP chưa có hệ thống, tầm nhìn không dài hạn, chưa được chu đáo nên kết quả thu hút chuyên gia chưa có chất lượng chưa cao.
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng nói về các bất cập trong chính sách thu hút chuyên gia. Ảnh: THANH TUYỀN |
Hiện nay, các kênh đặt hàng khoa học công nghệ, thu thập thông tin từ chuyên gia còn rất lẻ tẻ, công trình rời rạc, không có thông tin, không có dữ liệu, không hiểu được vấn đề mà TP đang gặp phải thì việc nghiên cứu cũng rất khó…
TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học, Sở NN&PTNN TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2004-2015, Trung tâm đã thu hút một chuyên gia là kiều bào Canada về làm Phó Giám đốc trung tâm; sau đó có thu hút thêm ba chuyên gia khác cùng đóng góp cho sự phát triển của TP.
Nhưng từ năm 2018, khi TP ban hành cơ chế chính thức về thu hút chuyên gia thì đơn vị này lại không thu hút thêm được ai.
Theo TS Quân, bất cập của việc này là quy trình tuyển dụng quá phức tạp, mất nhiều thời gian, không phù hợp trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học có danh tiếng, thành công trong lĩnh vực. “Việc chúng ta yêu cầu họ nộp đơn ứng tuyển, trải qua phỏng vấn để ứng tuyển thì không phù hợp” – TS Quân nói và cho rằng chế độ lương không phải vấn đề quá lớn nhưng không thể coi nhẹ.
TS Hoàng Thế Bân, chuyên gia Khu công nghệ TP.HCM cao cho rằng, chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM 10 năm qua rất bị động. Ảnh: THANH TUYỀN |
TS Hoàng Thế Bân, chuyên gia Khu công nghệ TP.HCM cao cho rằng, chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM 10 năm qua còn bị động. TP.HCM đưa ra các chủ trương chính sách và chờ chuyên gia nộp đơn vào, kém hiệu quả. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, họ chủ động tiếp cận các chuyên gia trên toàn thế giới.
Ông nói: "Nhìn lại 10 năm qua, TP.HCM đầu tư nhiều công sức, tiền của cho chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học nhưng thời điểm này, chắc chắn nhiều người không hài lòng, kết quả không đạt như kỳ vọng. Từ năm 2012 phải mất 2 năm để có chính sách, tiếp tục phải mất 2 năm từ khi có quyết định đến khi thực hiện".
Cần ‘Chính phủ mở’ để thu hút nhân tài
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận TP là nơi có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực. Họ đang làm việc tại các ĐH quốc gia, ở các viện, trường, những trường ĐH chuyên sâu.
Theo bà, cần nhìn rộng ra ở những đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam đang làm ở nước ngoài cũng có thể tham gia gắn kết cho TP.HCM. Họ có thể làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian hợp đồng theo luật lao động.
Bà cũng cho rằng, cần quan tâm thêm những người có tài năng, có năng khiếu nhất định, là con em của TP thì cần được thu hút, có chính sách đào tạo bồi dưỡng thêm như chương trình 300 tiến sĩ, thạc sĩ mà TP từng làm.
Về lâu dài, cần hướng tới thu hút những người làm việc bán thời gian kết hợp làm việc từ xa, thu hút họ làm theo đơn đặt hàng cộng khoản kinh phí cần thiết cho khoản đặt hàng; xác định vấn đề cần tư vấn, tham khảo, chọn mời chuyên gia, nhà khoa học hoặc những người có trình độ chuyên sâu, có kinh nghiệm thực tiễn để lắng nghe với thái độ cầu thị.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhắc lại các thế hệ lãnh đạo TP trước đây cũng đã rất quan tâm, đầu tư cho chính sách này, rất cầu thị, lắng nghe đóng góp ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nêu ý kiến. Ảnh: NGÔ TIÊN |
Bà Phạm Phương Thảo nhắc đến tổ tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với cái tên gọi khác là “tổ tư vấn 5.0”, tức là: không biên chế; không lương; không chức vụ; không cấp trên cấp dưới; không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý với Thủ tướng.
Đặc biệt, việc thu hút cần thực hiện theo cơ chế mở để tiếp thu những ý tưởng sáng tạo theo phương thức hoạt động, theo xu hướng mới của những nhà lãnh đạo.
Đồng quan điểm về việc cần tạo cơ chế mở, Giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Việt Dũng cho rằng xu thế hiện nay, các nước đang chuyển qua xây dựng mô hình Chính phủ mở, làm sao để thu hút sự tham gia của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền giải quyết các vấn đề.
Chính phủ mở phải đảm bảo được tính cam kết mạnh mẽ của chính quyền các cấp, rõ ràng về mặt pháp lý để kêu gọi người dân, các tổ chức cùng tham gia, tính rõ ràng trong xác định mục tiêu…
Ông Dũng cũng cho rằng, việc xây dựng chính sách thu hút chuyên gia cần tiếp cận theo phương pháp luận đổi mới sáng tạo mở chứ không chỉ nhìn ở góc độ trả thù lao.
Theo ông, thu nhập không phải là vấn đề cốt lõi trong việc thu hút chuyên gia mà cần xây dựng một môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu… để tạo hệ sinh thái mở của khu vực công.
Bên cạnh đó, ông cho rằng việc thu hút chuyên gia không đến từ một cá nhân cụ thể, một nhà khoa học, có chuyên môn mà đến từ cộng đồng.
Qua đó, TP nên nghiên cứu thiết kế hình thành duy trì ổn định hoạt động của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, để tất cả mọi người cùng tham gia giải quyết các vấn đề ở khu vực công bao gồm thiết kế xây dựng chính sách các giải pháp, mô hình, ứng dụng khoa học- công nghệ…
Đồng thời, thí điểm thực hiện cơ chế tài chính trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khác với quy định hiện nay để tạo hành lang pháp lý trong triển khai các chương trình dài hạn.
Cuối cùng, ông Dũng cho rằng, TP nên tập trung xây dựng hai mô hình là Viện nghiên cứu phát triển đang có và Viện công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo đã có chủ trương đầu tư nhưng đang kéo dài để trở thành hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; làm đầu mối kết nối khu vực công, các vấn đề khu vực công cùng với doanh nghiệp, người dân để cùng tham gia giải quyết vấn đề ở khu vực công.
Không thể để người có tài năng đặc biệt thi tuyển như công chức
Liên quan đến thu hút người có tài năng đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP, cho biết từ năm 2020, Sở đã đăng những thông báo đầu tiên thu hút các tài năng đặc biệt.
Tuy nhiên quy trình phải theo các quy định nên chỉ thu hút được một hồ sơ của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Ông là một chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới, mang âm nhạc hàn lâm đến với công chúng. Thời điểm đó, do dịch bệnh diễn ra phức tạp nên quy trình thu hút chưa thực hiện xong.
Bà Thúy cho biết ngành VH&TT cần những cơ chế tài chính khác, mở và thông thoáng hơn để đặt hàng các dự án cần sử dụng người có tài năng đặc biệt.
“Chúng ta có bao nhiêu nhà hát đạt chuẩn quốc tế, bao nhiêu công trình thể thao có thể tổ chức SEA Games hay những sự kiện quốc tế” – bà Thuý nói và cho rằng những tài năng đặc biệt không thể đứng biểu diễn trong điều kiện ‘xoàng xĩnh’ được.
“Chúng ta mời họ về hay thi tuyển tài năng đặc biệt đó như thi tuyển công chức, viên chức?” - bà tiếp.