Việc gắn camera quay hướng sang nhà hàng xóm tưởng rằng không ảnh hưởng đến ai nhưng thực tế khiến người khác khó chịu do bị xâm phạm đời tư cá nhân.
Mua đồ quý không dám mang về nhà
Thời gian gần đây, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được một số phản ánh của người dân bức xúc vì bị hàng xóm gắn camera chĩa sang nhà. Ngày 23-6, ông Th. ở quận Bình Tân, TP.HCM phản ánh đến báo: “Trước đây nhà tôi với nhà bên cạnh chơi với nhau khá thân. Về sau hai nhà xảy ra một số mâu thuẫn nhỏ nhưng vẫn còn ở mức độ nói chuyện được với nhau. Tuy nhiên, mới đây nhà bên gắn camera chĩa vào hướng nhà tôi nên mâu thuẫn giữa hai nhà ngày càng trầm trọng hơn”.
“Từ khi có cái camera thì nhất cử nhất động của nhà tôi đều bị nhà đó ghi hình lại. Có hôm tôi đang nằm trong nhà trời nóng quá cởi áo cũng bị họ rêu rao già mà không nên nết. Từ đó, những thành viên trong gia đình tôi muốn thể hiện tình cảm với nhau cũng không dám vì sợ bị camera ghi lại rồi phát tán. Tôi mua món đồ quý không muốn người khác biết, khi mang vào nhà cũng phải chờ trời tối, rình mò như ăn trộm. Nhiều lần tôi yêu cầu họ gỡ bỏ hoặc quay camera sang hướng khác nhưng họ không làm mà thách thức rằng chẳng ai làm được gì. Cứ tình trạng này kéo dài, gia đình tôi làm sao chịu nổi. Hoặc chúng tôi sẽ chuyển nhà hoặc sẽ xảy ra đổ máu vì bị ức chế tinh thần quá. Tôi không biết việc gắn camera của hàng xóm có được phép không và nếu vi phạm thì họ bị xử lý như thế nào?” - ông Th. bức xúc.
Trường hợp của bà L. ở quận Bình Thạnh cũng tương tự ông Th. Bà L. cho biết nhiều lần bà báo việc bị hàng xóm gắn camera chĩa vào nhà để được can thiệp nhưng chính quyền địa phương chỉ nhắc nhở vài câu rồi lại thôi. Cũng vì việc này mà lối xóm suốt ngày cãi nhau to tiếng, có hôm còn đánh nhau.
Luật chưa có quy định
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, một cán bộ thanh tra xây dựng Sở Xây dựng cho biết: “Việc người dân lắp đặt camera ghi hình tại nhà mình quay sang hướng nhà người khác hiện nay Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật không quy định. Việc này do luật dân sự điều chỉnh”.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích thêm: Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, việc gắn camera quay sang nhà khác nếu nhằm mục đích theo dõi, xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hành vi trái pháp luật.
Với những trường hợp trên, nếu người bị gắn camera cảm thấy mình bị xâm phạm đời sống riêng tư thì có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm.
“Hiện nay công nghệ thông tin, điện tử phát triển một cách nhanh chóng. Các thiết bị điện tử này có thể được sử dụng vào những mục đích xấu. Tuy hậu quả của việc gắn camera chĩa sang nhà khác khó xác định được nhưng hình thức của nó cho thấy có sự xâm phạm đời tư, trong khi hiện các quy định của pháp luật hành chính và hình sự chưa điều chỉnh đối với hành vi này. Do đó, các cơ quan rất khó xử lý và không có cơ sở xử phạt. Vì thế, pháp luật nên bổ sung thêm quy định, hình thức chế tài đối với hành vi này vào Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội…” - luật sư Hoan kiến nghị.
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình 1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. … (Trích Điều 38 BLDS 2015, có hiệu lực từ 1-1-2017) |