Nghị định 155/2016 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-2. Theo đó, tăng mức phạt tiền (tăng từ 10 đến 25 lần) đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Cụ thể, vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định và vứt, thải rác thải sinh hoạt bừa bãi có thể bị phạt từ 1 đến 7 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã, phường có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng…
Với các vi phạm khác về môi trường đã có các sở, ngành, ban chuyên môn giám sát, kiểm tra và xử phạt. Nhưng với những vi phạm như vứt rác bậy, tè bậy, làm sao cấp xã, phường có đủ nhân lực để theo dõi và xử phạt là một vấn đề nan giải. Sau đây là ý kiến bạn đọc gửi về Pháp Luật TP.HCM hiến kế cho chính quyền.
Gắn camera theo dõi và phạt nguội
Theo tôi, giải pháp lắp camera cho các khu phố là khá hiệu quả. Phường có thể vận động nhân dân đóng góp gắn camera tất cả khu phố, vừa có tác dụng bảo vệ an ninh vừa có thể ghi lại những hình ảnh xấu như xả rác, phóng uế bừa bãi.
Cô giáo Nguyễn Võ Uyên Mi (đường số 9, phường 16, quận Gò Vấp)
Phường có thể giao cho các khu phố trách nhiệm quản lý các camera. Nếu là dân địa phương, sau khi ghi hình có thể trích xuất hình, rồi mang đến nhà khổ chủ. Lần đầu nhắc nhở và yêu cầu họ trả chi phí trích xuất, nếu tiếp tục tái phạm thì đề nghị phường ra quyết định xử phạt. Tôi nghĩ cũng có người này người kia. Có người nhắc thôi là đã không tái phạm nhưng có người nhắc miết vẫn “lì” thì có thể treo ảnh chụp được ở bản tin khu phố là nhột liền. Tuy nhiên, với mức phạt như hiện nay thì tôi cho rằng phạt tiền thôi đã đủ tính răn đe.
Với những người xả rác, tè bậy không phải là dân địa phương thì có thể ghi lại biển số xe, đăng ảnh lên bản tin khu phố. Nếu họ có người quen họ cũng sẽ nhột thôi. Nếu không thì cũng là một tư liệu vừa nhắc nhở dân phường mình, vừa nhắc nhở người dân vãng lai. Nếu tìm ra được vẫn có thể phạt nguội như thường.
Đơn vị có trách nhiệm phải… có trách nhiệm
Điều mà chúng ta cần hướng tới là nâng cao ý thức người dân. Thành phố cần trang bị thêm nhà vệ sinh công cộng và thêm các thùng rác công cộng thuận tiện cho người dân.
Chị Phí Thị Thu Hà, phường Tân Định, quận 1.
Các đơn vị có trách nhiệm phải thể hiện trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Ví dụ như tổ chức buổi biểu diễn hay một sự kiện, ban tổ chức không quy định cụ thể khu vực ăn uống, để cho người dân mang đồ ăn thức uống vào khu vực biểu diễn rồi vứt rác bừa bãi. Ngay cả những người có ý thức cũng ko biết vứt rác vào đâu.
Các phường có thể tổ chức cho các khu phố thực hiện những buổi "vệ sinh đường phố" tại khu phố. Ngoài ra, địa phương cần giúp các trường học, công sở tổ chức các buổi tuyên truyền vận động giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhận thức thay đổi, hành vi sẽ thay đổi.