Năm qua, một số con đường ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM trở nên sạch đẹp hơn do địa phương treo thưởng cho người dân nào phát hiện có người xả rác trên địa bàn phường để có căn cứ xử phạt nghiêm.
Người dân mạnh dạn trình báo
Ông Trần Thới Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, cho biết trong năm 2016, UBND phường đã kêu gọi người dân mạnh dạn trình báo khi phát hiện có đối tượng xả rác bừa bãi trên đường. Mỗi trường hợp trình báo và xử phạt được phường thưởng nóng 500.000 đồng/vụ.
Trong năm 2016, UBND phường đã nhận được tin báo của người dân, tự phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 13 trường hợp với hành vi đổ rác không đúng quy định, tổng số tiền phạt gần 20 triệu đồng.
Vậy quy trình báo và xử lý thông tin người dân xả rác, tiểu bậy như thế nào? Ông Nguyễn Sinh Chính, cán bộ quản lý đô thị phường Sơn Kỳ, cho biết: Khi người dân phát hiện có người xả rác, tiểu bậy việc đầu tiên là giữ người có hành vi vi phạm lại và báo lên phường. Cán bộ phường sẽ xuống, lập biên bản xử phạt theo đúng quy định, sau đó sẽ trao thưởng cho người trình báo.
“Việc xả rác ở địa phương chủ yếu là do những cơ sở may mặc thực hiện, do đó phường yêu cầu các chủ cơ sở ký hợp đồng với điểm thu gom rác để thu gom. Đồng thời, phường đã gửi công văn đến các phường lân cận để vận động các cơ sở khác cùng thực hiện. Vừa qua cán bộ phường cũng được tập huấn về việc áp dụng quy định mới để thực hiện việc xử phạt theo Nghị định 155/2016. Với mức xử phạt của quy định mới, hy vọng đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm” - ông Nguyễn Sinh Chính thông tin.
Chính quyền vừa xử lý đổ rác bừa bãi ở đây xong đã có người đi đường ghé tiểu bậy tại đường Bờ Bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ. (Ảnh chụp ngày 6-2) Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Cán bộ mặc thường phục để bắt tận tay
Ông Hồ Quang Khải, phường đội trưởng phường Sơn Kỳ, chia sẻ, theo chủ trương của phường, nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của tất cả cán bộ phường. Ông cũng thường xuyên đi tuần tra để xử lý tình trạng xả rác bừa bãi. Thông thường những người đổ rác trước khi thực hiện hành vi sẽ đi kiểm tra trước, khi thấy không có ai mới đổ. Vì thế lực lượng tuần tra phải trực thường xuyên và mặc đồ bình thường mới có thể bắt tận tay và xử phạt được.
Ông Đông nhìn nhận: “Đối với người dân trên địa bàn phường thì họ đã ý thức được do phường tuyên truyền và phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn đa phần do người dân nơi khác thiếu ý thức cố tình vi phạm, dẫn đến tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn tồn tại. Trước mắt hằng tháng, UBND phường đều gửi văn bản cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP hỗ trợ tổng vệ sinh trên địa bàn và chi trả chi phí hỗ trợ là 1 triệu đồng”.
Bà Thu Hồng, hẻm 103 đường Bờ Bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, phấn khởi: “Trước đây các tuyến đường như Bờ Bao Tân Thắng, đường kênh 19/5 rác thải đầy đường nhưng hiện nay giảm rất nhiều. Một phần là do phường gắn camera và lực lượng tuần tra mặc đồ dân thường đi tuần tra thường xuyên để bắt tận tay; một phần là sự khuyến khích của chính quyền địa phương bằng việc treo thưởng. Tuy mức tiền thưởng không cao nhưng góp phần nâng cao trách nhiệm và ý thức của người dân. Mọi người dân trên địa bàn phường cùng ý thức giữ gìn một con đường sạch đẹp thì người khác muốn đến đây xả rác họ cũng thấy ngại”.
Người vứt rác, tiểu bậy tự nguyện khắc phục Phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM đã có kinh nghiệm trong việc xử lý những hành vi phản cảm. Các khu phố gắn camera ở một số tuyến đường trọng điểm với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng do người dân đóng góp. Công an phường quản lý, theo dõi các camera này. Nhiều gia đình đổ rác ẩu, bừa bãi đã được mời lên công an phường để xem lại những hình ảnh này. Họ đã khắc phục ngay sau đó và gần như không tái phạm. Tuy nhiên, công an phường và camera cũng không thể quán xuyến ghi nhận hết được. Phường đã tích cực tuyên truyền, vận động tới mọi người dân tham gia giữ gìn vệ sinh khu phố, nhắc nhở những người vi phạm. Thực tế có nhiều xe du lịch đưa khách tới quận 1 nhưng rất thiếu ý thức, vứt bọc nylon đường gây ô nhiễm. Chúng tôi nhắc nhở ngay. Bây giờ ai cũng có điện thoại chụp ảnh rất dễ dàng. Nhiều tài xế tiểu bậy hoặc cho hành khách của mình tiểu bậy, vứt rác khi bị người dân nhắc nhở, chụp ảnh đã tự đi xin nước, mượn chổi dọn vệ sinh sạch sẽ. Bà PHAN THỊ LỢI, Phó Chủ tịch UBMTTQ HỒNG MINH ghi |