Bạn đọc Lê Đức Anh góp ý: "Theo tôi, vấn đề vứt rác không đúng nơi quy định, đi vệ sinh bừa bãi như hiện nay vẫn có thể khắc phục được. Để làm được điều đó thì phải có sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc của các cơ quan ban ngành liên quan.
Yêu cầu đầu tiên và quan trọng là giáo dục, hướng dẫn. Phía nhà trường phải giáo dục trẻ nhỏ qua các buổi học trong trường, ngoại khóa thực tế về môi trường. Từ cách vệ sinh, xả rác đúng cách, đúng nơi.
Tổ dân phố cũng phải tham gia tích cực phổ biến dạng thi đua gia đình văn hóa. Mỗi khu phố có một nhóm - tổ - hội có đoàn viên thanh niên thực hiện giữ gìn vệ sinh công cộng cho khu phố.
Các khu vực công cộng thì đã có lực lượng TNXP, chỉ cần bố trí người phù hợp, nhắc nhở mọi người khi có hành vi xả rác, tiểu bậy. Khu dân phố thì có lực lượng dân phòng, tổ dân phố và công an khu vực.
Với người vi phạm, chỉ cần báo về cơ quan làm việc, khu dân phố là đủ mất mặt lắm rồi. Như vậy, tôi nghĩ họ không dám tái phạm.
Cần tính toán lại sự phân bố các nhà vệ sinh, nơi xả rác công cộng. Cấm thì phải tính chuyện chỉ chỗ nào cho dân được xả. Giải pháp xã hội hóa cho việc xây dựng, trang bị cho việc này cũng cần được tính đến".
Cũng theo bạn đọc Thái Anh Tuấn, "muốn người dân không xả rác, tiểu tiện bừa bãi thì phải xây dựng có nơi để bỏ rác, có nơi để phục vụ nhu cầu vệ sinh cá nhân. Có nơi thuận lợi như vậy thì sẽ không có ai xả rác, tiểu tiện bừa bãi, bậy bạ. Chuyện xấu như vậy, chắc chắn không ai muốn đứng giữa đường, giữa chợ mà làm, bất đắc dĩ mà thôi".
Cũng bàn về việc này, bạn Lê Văn Trung góp ý trước mắt nên tăng cường số lượng công nhân vệ sinh. Vì hiện tại cũng khó trông chờ vào ý thức của mỗi người, một người dọn, chín người xả thì sao sạch, đẹp cho nổi. Chỉ khi nào đường phố, các khu vực công cộng sạch sẽ thì tính toán giảm số lượng công nhân xuống.
Lực lượng CSGT cũng được bạn Vĩnh Linh góp ý có nên tham gia vào việc xử phạt người điều khiển các phương tiện giao thông xả rác trên đường. Theo bạn Linh thì CSGT nên tham gia việc xử lý người đi xe máy, ô tô thường vứt rác, tàn thuốc xuống đường bất kỳ lúc nào họ thấy thuận tay.
Nhẹ nhàng và có chút hoài niệm, bạn Lê Văn Trung nhắc về “chuyện ngày xưa”, khi có nhu cầu vệ sinh, chỉ cần ghé quán nước xin đi nhờ là được. Chị chủ quán cũng rất nhiệt tình hướng dẫn, xong việc chỉ cần một tiếng cám ơn và haibên đều cười vui vẻ. Thời bây giờ nhờ vả kiểu này sao khó quá?